Thành lập Thaispace, Bầu Thụy “ôm mộng” bay lên vũ trụ trước 2030

Thành lập Thaispace, Bầu Thụy "ôm mộng" bay lên vũ trụ trước 2030

CTCP Thaispace được thành lập với tổng vốn điều lệ dự kiến là 26.688 tỷ đồng. Công ty này còn dự định kế hoạch IPO năm 2022 nếu đủ điều kiện.

Vốn điều lệ dự kiến của Thaispace là 26.688 tỷ đồng

Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings (THD) mới đây thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace cũng như các nội dung đăng ký doanh nghiệp của Thaispace.

CTCP Thaispace được thành lập với mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc (Việt Nam), nếu như các cơ quan quản lý đồng ý cấp phép.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021 về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Phía công ty cho biết chiến lược này phù hợp với chủ trương này.

Theo tìm hiểu, dự kiến tổng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Thaispace là 26.688 tỷ đồng. Trong đó, Thaiholdings dự kiến góp vốn 1.334,4 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng mức vốn điều lệ của Công ty cổ phần Thaispace.

Thaispace dự kiến tham gia huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ. Nếu đủ điều kiện, Thaispace sẽ IPO vào năm 2022.

Vào ngày 28/12, HĐQT Thaiholdings thông qua, đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn từ 2022-2026. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 30.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư cho dự án này từ vốn tự có của Thaigroup cùng với các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Dự án này hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế; đồng thời đưa Việt Nam sánh ngang các cường quốc vũ trụ trên thế giới. Chưa hết, dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng thế mạnh về du lịch của Phú Quốc.

Bầu Thụy.

CTCP Thaispace được thông qua hoạt động trong một số ngành nghề chính gồm: Xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và thế giới; Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây…;

Kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam và Thế giới.

Vài nét về Bầu Thụy

Theo xếp hạng, Bầu Thụy hiện đang là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán. Ông là người sáng lập CTCP Thaiholdings. Năm 2021, doanh thu ước tính của Thaiholdings đạt gần 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt gần 1.500 tỷ đồng.

Năm 2011, ông nổi tiếng kể từ khi bước chân vào lĩnh vực bóng đá, là chủ của Sài Gòn Xuân Thành. Dù bỏ ra hàng trăm tỷ đồng chiêu mộ các ngôi sao bóng đá nhưng thời điểm đó, đội bóng lại không thành công. Đội bóng bị giải tán vào năm 2013.

Đầu năm 2021, bầu Thụy lấn sân sang mảng ngân hàng. Ông mua vào số lượng lớn cổ phiếu LienVietPostBank, tương đương khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng. Hiện tại, bầu Thụy giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version