Hệ thống Điện máy Xanh Supermini của Thế giới Di động (MWG) vừa có thông báo đã chính thức đạt 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. “Với số lượng đó, ước tính doanh thu cả năm 2022 của mô hình này ước chừng 12.500 tỷ đồng” – ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động chia sẻ.
Được biết, mô hình Điện máy Xanh Supermini là một trong những chiến lược thúc đẩy tăng trưởng của MWG trên nền tảng hiện hữu. Tức, “tiếp cận những khách hàng chưa tiếp cận” theo như chia sẻ người đứng đầu.
Điện máy Xanh Supermini ra mắt những cửa hàng đầu tiên tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Tiền Giang, cách đây 2 năm ngay sau khi đợt giãn cách đầu tiên được nới lỏng. Sau 2 tháng chạy “demo”, mô hình ghi nhận mức doanh thu dao động từ 1-1,2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Ban lãnh đạo MWG theo đó quyết định tăng tốc mô hình và mở 300 cửa hàng trong 6 tháng.
Xét về quy mô hàng hóa, diện tích, số lượng nhân viên…, mô hình supermini đứng hàng thứ 3 trong các mô hình bán lẻ của Điện máy Xanh, với thiết kế nhỏ và tinh gọn hơn. Mô hình bán lẻ lớn của Điện máy Xanh có diện tích 800-1.000m2, kế đến là mô hình mini có diện tích dao động từ 250 – 350m2, còn mô hình supermini chỉ có diện tích từ 80 – 120m2 với số lượng nhân viên gói gọn 3 – 4 người.
Nói về mô hình supermini, ông Hiểu Em giải thích thêm: “Để đem hàng đến gần với người tiêu dùng, chúng tôi lựa chọn đi xa hơn, mở tại những xã, thôn, ấp, bản mà chưa có hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp. Hàng hóa được lựa chọn để bán sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân khu vực nông thôn trong khi vẫn đáp ứng những chuẩn mực về hàng hóa, bảo hành sản phẩm như những mô hình khác của Điện máy Xanh.
Hiện nay, khi 2 mô hình Điện máy Xanh lớn và mini đã có doanh thu ổn định, gần như đã phủ sóng hết các địa điểm mà nó cần có mặt, việc gia tăng thị phần bán lẻ ngành hàng điện máy tại thị trường Việt Nam là trọng trách của mô hình supermini còn non trẻ này”.
Mặc dù diện tích của một cửa hàng supermini chỉ bằng ½ diện tích cửa hàng Điện máy Xanh mini nhưng giá thuê chỉ bằng ¼ và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm mặt bằng tại các thôn xã vùng xa. Chi phí xây dựng cũng thấp vì không cần làm thiết kế bài bản như các mô hình bán lẻ khác của Điện máy Xanh. Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng được chuẩn hóa theo mô hình “all-in-one”: gia tăng năng suất, một nhân viên có thể đảm đương tất cả các khâu, sử dụng tác nghiệp nhanh gọn qua smartphone, một quản lý phụ trách từ 2-3 siêu thị, không gia tăng đội ngũ quản lý cấp cao… Đặc biệt, mô hình supermini còn được “kế thừa” hệ thống quản lý, kho bãi… sẵn có của hệ thống Điện máy Xanh và thegioididong.com đã có mặt trên toàn quốc.
Việc tận dụng này giúp chi phí đầu tư thấp, trong khi hàng hóa được lựa chọn bán tại chuỗi Điện máy Xanh supermini có giá phải chăng hơn. Dịch vụ bán và sau bán hàng chuyên nghiệp vốn hạn chế ở khu vực nông thôn nay được chuỗi bán lẻ áp dụng để chiều lòng khách hàng thôn quê. Chiến lược uyển chuyển của mô hình này cho thấy hiệu quả khi không chỉ giúp công ty gia tăng thị phần, mà giá trị thương hiệu của Điện máy Xanh cũng phổ biến rộng rãi hơn.
Dù tác động của dịch Covid 19, chuỗi liên tục tăng trưởng và mở rộng đạt mốc 1.000 cửa hàng và theo ông Hiểu Em, trở thành át chủ bài giúp MWG duy trì tăng trưởng trong 2 năm qua. Dự kiến kết thúc năm nay, Điện máy Xanh supermini sẽ về đích với hơn 1.000 cửa hàng, thu về 12.500 tỷ doanh thu và kỳ vọng năm tiếp theo mang về 20.000 tỷ doanh thu, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn MWG.
MWG đạt 81.700 tỷ doanh thu sau 7 tháng, đóng 400 cửa hàng Bách Hoá
Công ty mẹ là MWG mới đây cũng đã có cập nhật tình hình kinh doanh đến tháng 7/2022. Cụ thể, doanh thu tháng 7 Công ty đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp chính là mảng điện thoại và điện máy với 8.400 tỷ đồng, tăng đến 63% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 7 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu 81.700 tỷ đồng – tăng 14% với 65.300 tỷ đóng góp với chuỗi Thế giới Di động/Điện Máy Xanh và 15.200 tỷ đồng từ chuỗi Bách Hoá Xanh.
Riêng Bách Hoá Xanh, doanh thu 7 tháng giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là chuỗi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của thị trường: Sau khủng hoảng giữa tâm dịch và tiếp đến là kế hoạch bán vốn của MWG.
Ghi nhận, từ đầu năm đến nay Bách Hoá Xanh đã đóng tổng cộng khoảng 400 cửa hàng và hoàn tất việc thay đổi layout mới cho gần như toàn bộ các cửa hàng hiện hữu. Cuối tháng 7, Công ty có 1.735 cửa hàng Bách Hoá Xanh, doanh thu bình quân đạt khoảng 1,3 tỷ đồng/cửa hàng.
Theo chiến lược đề ra từ đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ và đã dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, rà soát, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả và lược bỏ 7 nhóm hàng có hiệu suất kinh doanh kém.
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho biết với công cuộc tái cấu trúc trên, hiệu suất của chuỗi bách hoá đang tăng, minh chứng doanh thu trên cửa hàng tăng và dự chính thức có lãi từ cuối năm 2022.
Trong đó, trước đây Bách Hóa Xanh hướng tới việc xây dựng một chuỗi bán lẻ với “trải nghiệm khách hàng tốt hơn chợ”. Tức thay vì chọn đối thủ cạnh tranh là các chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu khác, MWG mạnh tay đổ tiền để logo màu xanh lá được treo ở các mặt bằng cạnh bên chợ truyền thống.
Nhưng bây giờ, chuỗi theo ông Tài đã thay đổi định vị từ mô hình “chợ hiện đại” sang “siêu thị mini”, mục tiêu hướng đến việc khách hàng sẽ có những trải nghiệm mua sắm như đang ở các siêu thị lớn. Bởi, ngành hàng tươi sống của Bách Hoá Xanh cũng đang có vấn đề từ những yếu tố khách quan như thời tiết, do đó Công ty sẽ dồn lực kiểm soát chất lượng đầu vào để hạn chế tình trạng trồi sụt chất lượng hàng hóa.
“Đây là một bước chuyển rất quan trọng đối với MWG. Năm 2023, câu chuyện hỗ trợ và chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi Điện Máy Xanh cho Bách Hóa Xanh sẽ chấm dứt. Bách Hóa Xanh sẽ thật sự mang tiền về đóng góp cho sự phát triển chung của MWG”, ông Tài nói.