Thép Pomina âm 1.100 tỷ đồng năm 2022

Thép Pomina âm 1.100 tỷ đồng năm 2022

Lợi nhuận cả năm 2022 của Thép Pomina âm hơn 1.100 tỷ đồng sau khi tiếp tục lỗ thêm 460 tỷ vào quý IV.

Doanh thu quý IV/2022 của Thép Pomina tiếp tục lao dốc

Doanh thu của Công ty cổ phần Thép Pomina tiếp tục lao dốc vào quý IV/2022 khi chỉ còn khoảng 1.800 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, kém hơn một nửa. Đây cũng là mức thấp nhất tính từ năm 2010 của doanh nghiệp này. Có thể thấy, Pomina có quý kinh doanh dưới giá vốn thứ hai liên tiếp với khoản lỗ gộp là hơn 240 tỷ đồng. Kỳ này, lợi nhuận trước thuế của Pomina âm hơn 461 tỷ đồng.

Chịu chung tình cảnh với các doanh nghiệp trong ngành thép, Pomina chịu sóng gió từ giữa năm 2022.  Công ty đã lỗ lần lượt trong quý II và III với số tiền 61 tỷ và 707 tỷ. Tính lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp thép này lỗ hơn 1.127 tỷ. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp lãi 238 tỷ đồng.

Tính đến hết 31/12, nguồn vốn của Pomina so với đầu năm còn khoảng 11.000 tỷ đồng, giảm hơn gần 4.000 tỷ. Trong đó, nợ của công ty giảm gần 2.800 tỷ, còn hơn 8.500 tỷ. Vốn chủ sở hữu còn hơn 2.500 tỷ đồng, giảm gần 1.200 tỷ.

Nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ nặng

Một loạt doanh nghiệp thép trước đó cũng báo lỗ nặng. Trong đó, “vua thép” Hoà Phát đã lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Với quý lỗ thứ hai liên tiếp, lợi nhuận cả năm của Hòa Phát giảm hơn 3/4, từ hơn 34.580 tỷ đồng chỉ còn khoảng 8.400 tỷ đồng.

VNSteel – Tổng công ty Thép Việt Nam cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng quý cuối năm. Tính lũy kế cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng. Năm trước đó, doanh nghiệp này lãi gần 860 tỷ đồng. Kể từ năm 2014, đây là lần đầu công ty này lỗ, cũng là mức lớn nhất tính từ khi công bố thông tin vào năm 2011.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) trong tình trạng tương tự khi lợi nhuận sau thuế âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm bởi 2 quý lỗ liên tiếp. NKG lỗ 67 tỷ đồng trong cả năm 2022. Trong khi cùng kỳ, doanh nghiệp lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán VNDirect, năm 2023, nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng… khiến các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn phải đối diện với hàng loạt khó khăn. Năm nay, kỳ vọng của ngành thép là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.

VNDirect cho rằng, về xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhìn chung, ở nửa đầu năm ngành thép vẫn khó khăn và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm.

Exit mobile version