Cùng chung xu hướng thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên đầu tuần giảm sâu. Chỉ số chính VN-Index dần lao dốc và đóng cửa tại mức thấp nhất phiên, “để rơi” 22 điểm về sát mốc 1.020 điểm, tương ứng mất 2,11% – ghi nhận nhịp giảm mạnh nhất châu Á phiên 20/3.
Hàng loạt nhóm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Riêng rổ VN30 chỉ còn 2 mã giữ được mốc tham chiếu là PLX và VPB, còn lại đều mất điểm sâu, từ đó khiến VN30-Index giảm hơn 23 điểm. Thanh khoản cũng ghi nhận sụt giảm, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE về dưới mức 10.000 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, giao dịch khối ngoại cũng không mấy khả quan khi quay đầu bán ròng khoảng 350 tỷ đồng trên toàn thị trường, chấm dứt chuỗi 9 phiên liên tiếp mua ròng trước đó.
Theo quan điểm ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích Chứng khoán DSC , phiên giảm điểm đầu tuần lấy đi 22 điểm của VN-Index tương đối bất thường. Thực tế thị trường không phải chịu áp lực quá lớn từ yếu tố tiêu cực nào, trước đó cũng không có nhịp tăng quá nóng dẫn tới phải điều chỉnh, thậm chí giảm mạnh nhất châu Á như vậy.
Do đó, ông Đạt đánh giá điều này có thể có nguyên nhân từ bối cảnh chứa đựng loạt thông tin gây nhiễu động tới tâm lý thị trường. Vụ việc tại các ngân Silicon Valley Bank, Credit Suisse hay HSBC khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó là lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã giảm mạnh, giá vàng tạo đỉnh mới trong khi giá dầu giảm sâu. Đặc biệt, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là yếu tố tác động chính tới thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần này bên cạnh những hỗn loạn trên.
Trong nước, tuần trước ghi nhận hoạt động cơ cấu của các quỹ ETFs tham chiếu theo các bộ chỉ số: FTSE Vietnam Index (FTSE ETF), FTSE Vietnam 30 Index (Fubon ETF), MarketVector Vietnam Local Index (VNM ETF), cộng thêm áp lực từ phiên đáo hạn phái sinh tháng 3 khiến thị trường trở nên “bội thực” thông tin và đưa ra hành động có phần hoang mang.
Chia sẻ lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Khoa , Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco, cho rằng trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều thông tin tốt xấu đan xen như hiện tại, nhà đầu tư nên giữ một tâm thế vững chắc, chủ động bám sát thị trường để có thể đưa ra hành động kịp thời. Tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ phù hợp ở mức 20-30% và nên có sẵn lượng tiền mặt trong tài khoản để giải ngân khi thị trường có nhịp trở lại.
Với xu hướng thị trường ghi nhận dòng tiền đang có sự phân hóa cao, nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược “đánh ngắn”. Cụ thể hơn, với những vị thế đã có lãi khi cổ phiếu về tài khoản, nhà đầu tư ưu tiên chốt lời để bảo toàn lợi nhuận. Ngược lại với những mã thăm dò sai nên hạ tỷ trọng để hạn chế tối thiểu rủi ro trước những biến động của thị trường.