Thị trường chứng khoán giảm sâu, khối ngoại có tháng thứ 2 liên tiếp bán ròng với giá trị hơn 1.300 tỷ đồng

Thị trường chứng khoán giảm sâu, khối ngoại có tháng thứ 2 liên tiếp bán ròng với giá trị hơn 1.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận tháng 10 không mấy tích cực với việc chỉ số VN-Index giảm hơn 104 điểm, chốt phiên cuối tháng tại mức 1.027,94 điểm. Không ít lần trong tháng chỉ số chính của TTCK Việt Nam nhúng về ngưỡng ba chữ số song lực cầu bắt đáy được kích hoạt giúp kéo chỉ số lên trên ngưỡng 1.000.

Trong bối cảnh rung lắc mạnh, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi có tháng thứ 2 liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tổng giá trị bán ròng trong tháng 10 trên toàn thị trường đạt 1.311 tỷ đồng, trong đó bán ròng 2.013 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 751 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 255 tỷ đồng trên UPCoM.

Điểm an ủi có lẽ là con số này đã giảm còn 1/3 so với đà bán ròng hơn 3.500 tỷ của tháng 9 trước đó. Thêm nữa, nếu trong tháng 9 nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh bán ròng trên cả kênh khớp lệnh và kênh thoả thuận, thì trong tháng 10 dòng tiền đã trở lại mua ròng khớp lệnh, giá trị đạt 475 tỷ đồng. Tuy nhiên lượng bán ròng 1.786 tỷ đồng thoả thuận đã đẩy giá trị giao dịch ròng tổng cộng sang con số âm. Nếu loại trừ đi lượng bán ròng thoả thuận đột biến 3.000 tỷ tại mã EIB vào phiên cuối tháng, khối ngoại thậm chí đã mua ròng trên thị trường trong tháng 10 vừa qua.

Tính chung từ đầu năm, với đà bàn ròng mạnh trong nửa cuối năm 2022, giá trị giao dịch ròng luỹ kế trong 10 tháng của khối ngoại đã đảo chiều sang bán ròng 1.007 tỷ đồng; trước đó 9 tháng đầu năm vẫn đang ghi nhận mua ròng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2.002 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi bán ròng 3.008 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu trong tháng 10, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch đột biến tại cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank ngay trong phiên cuối tháng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại đã bán ra gần 74,5 triệu đơn vị trong khi mua vào chỉ hơn 37.000 đơn vị, giá trị hơn 2.933 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phiếu này được sang tay cho nhà đầu tư trong nước theo theo hình thức thỏa thuận. Lượng cổ phiếu được giao dịch tương ứng gần 6,06% vốn ngân hàng, phiên bán ròng mạnh nhất của khối ngoại tại EIB trong nhiều năm qua.

Hiện, Eximbank chỉ có duy nhất một cổ đông lớn nước ngài là SMBC và tổ chức này cũng đang có những động thái cho thấy khả năng thoái vốn. Theo đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.

Bên cạnh đó, cổ phiếu HPG cũng ghi nhận mức bán ròng mạnh của khối ngoại, giá trị đạt 1.690 tỷ đồng trong tháng 10, với phần lớn giao dịch thông qua khớp lệnh. Cổ phiếu này hiện đã rơi xuống vùng đáy giá hơn 2 năm, thị giá giảm 26% trong tháng 10 và giảm hơn 64% kể từ đỉnh xuống giao dịch tại vùng giá 15.xxx đồng/cp.

Các mã cổ phiếu khác như STB, VND, VHM, NVL cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại trong tháng 10 với giá trị lần lượt đạt 520 tỷ đồng, 366 tỷ đồng, 323 tỷ đồng và 267 tỷ đồng. Một số mã DXG, BSR hay VEA cũng bị bán ròng mỗi cổ phiếu vài trăm tỷ trong tháng 10 vừa qua.

Ngược lại, lực mua ròng của khối ngoại tập trung mạnh nhất tại cổ phiếu VNM, giá trị đạt 882 tỷ đồng. Cổ phiếu này trong tháng 10 cũng vận động tương đối khởi sắc, thị giá đã tăng gần 15% trong

Trong khi đó, giá trị mua ròng gần 700 tỷ cũng được ghi nhận tại mã chứng khoán ngành bán lẻ là MSN. Thị giá cổ phiếu này đã có sự phục hồi tốt sau khi chạm vùng đáy giá 19 tháng, tăng 17% trong vòng 1 tuần cuối tháng 10

Khối ngoại còn mua ròng hơn 300 tỷ đồng tại mã bán lẻ FRT, ông lớn ngành hoá chất DGC, chứng chỉ quỹ FUEVFVND hay mã IDC.

Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây. Yếu tố trực tiếp nhất được cho là xuất phát bởi đồng USD bùng nổ tăng giá, theo đó ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá USD/VND. Điều này dẫn đến một nhu cầu chuyển đổi và dự trữ USD của khối ngoại để đầu cơ hoặc đầu tư vào một số loại tài sản khác. Bối cảnh tỷ giá gia tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư tại thị trường Việt Nam khiến cho nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường.

Ngoài những áp lực trên, dòng tiền ETF cũng đã quay đầu bán ròng trong vài tháng trở lại đây. Các quỹ ETF chủ yếu là cuộc chơi của các tổ chức ngoại, do đó động thái rút ròng tại các ETF khiến động lực mua ròng của khối ngoại trên sàn giảm đi đáng kể.

Mặt khác, yếu tố dẫn đến dòng vốn ngoại tỏ ra “hờ hững” với chứng khoán Việt có thể đến từ khẩu vị đầu tư của khối ngoại bởi những lĩnh vực Công nghệ, Giáo dục, Y tế, Bán lẻ không có nhiều doanh nghiệp lớn. Tuy vậy, việc rút lui của khối ngoại không ảnh hưởng quá lớn bởi tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng lượng giao dịch.

Exit mobile version