Thị trường chứng khoán là gì? Phân loại và nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán

Vimoney: Thị trường chứng khoán là gì? Phân loại và nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại là một kênh đầu tư mới. Vậy thị trường chứng khoán là gì? Hãy cùng Vimoney tìm hiểu.

Khái niệm chứng khoán

Chứng khoán là một bằng chứng xác nhận sự sở hữu hợp pháp của một người với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành, tồn tại dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ, dữ liệu điện tử.

Chứng khoán cũng có thể hiểu là một phương tiện hàng hóa trừu tượng. Nó có thể thay thế hoặc đại diện cho một giá trị tài chính và thỏa thuận được. Chứng khoán gồm trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…

Phân loại chứng khoán

Chứng khoán được chia thành chứng khoán nợ, chứng khoán vốn và chứng khoán phái sinh. Cụ thể như sau:

Chứng khoán nợ: Xác nhận mối quan hệ giữa chủ nợ (người sở hữu) và công ty phát hành. Nó thường được phát hành dưới dạng trái phiếu, chứng khoán dạng nợ hoặc giấy tờ. Trên thị trường chứng khoán, chứng khoán nợ có tỷ trọng giao dịch khá lớn.

Chứng khoán vốn: Do công ty cổ phần phát hành, được xác nhận quyền sở hữu một phần thu nhập và tài sản của công ty, thường được phát hành dưới dạng cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi, chứng chỉ Quỹ… Những nhà đầu tư sở hữu một phần công ty thường sở hữu chứng khoán vốn. Họ được hưởng lợi nhuận, đồng thời chịu rủi ro từ tình hình kinh doanh của công ty đó.

Chứng khoán phái sinh: Là loại công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, gồm có hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng tương lai. Trong đó, nó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Ba đặc điểm của chứng khoán

Chứng khoán có 3 đặc điểm, gồm có tính thanh khoản, tính rủi ro và tính sinh lợi. Cụ thể:

Tính thanh khoản: Chính là khả năng mua bán trên thị trường. Mỗi loại chứng khoán sẽ có khả năng chuyển nhượng khác nhau nhưng thanh khoản của cổ phiếu là cao nhất.

Tính sinh lợi: Nhà đầu tư khi sở hữu chứng khoán – một tài sản tài chính đều mong muốn nhận được khoản thu nhập lớn hơn trong tương lai, có được từ cổ tức được chia hoặc tiền chênh lệch từ việc chứng khoán tăng giá.

Tính rủi ro: Ngoài sinh lợi, chứng khoán còn mang tính rủi ro khi chịu tác động từ rất nhiều yếu tố như thị trường, lạm phát, hoạt động chính trị…

Thị trường chứng khoán là gì?

Thị trường chứng khoán là gì? Đây là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán, làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán.

Khác với thị trường hàng hóa thông thường, hàng hóa của thị trường chứng khoán đặc biệt hơn, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Có thể hiểu, thị trường chứng khoán thực chất thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó. Nó chính là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Phân loại thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán phân thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Cụ thể như sau:

Thị trường sơ cấp: Nơi chứng khoán được phát hành và bán cho người mua đầu tiên. Chứng khoán được bán với giá phát hành. Thị trường sơ cấp sẽ cung cấp vốn cho các nhà phát hành để đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Ngoài giúp nền kinh tế phát triển hơn, thị trường này còn giúp giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu vốn.

Thị trường thứ cấp: Nơi giao dịch chứng khoán đã phát hành. Mục đích của hoạt động giao dịch tại thị trường này là kiếm lợi nhuận, di chuyển dòng vốn đầu tư hoặc các loại tài sản xã hội. Thị trường thứ cấp giúp các loại chứng khoán đã phát hành nâng cao được tính thanh khoản, làm gia tăng thời hạn vốn từ ngắn hạn sang trung hạn hoặc dài hạn. Dòng vốn cũng được trợ lực để phân phối hiệu quả hơn.

Các tổ chức trên thị trường khoán

Công ty chứng khoán sẽ môi giới hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi cổ phiếu, trái phiếu của các cá nhân, đơn vị…

Các cơ quan quản lý trên thị trường chứng khoán gồm có: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) là nơi lưu trữ các thông tin về chứng khoán.

Thị trường chứng khoán và nguyên tắc hoạt động

Thị trường chứng khoán hoạt động căn cứ vào Điều 5 Luật Chứng khoán 2019. Đó là:

– Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.

– Công bằng, công khai, minh bạch.

– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

– Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

Tác động của thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán dù mới ở Việt Nam nhưng cũng cho thấy nhiều tiềm năng. Nó tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và các nhà kinh doanh, cá nhân nói riêng. Cụ thể

Ảnh hưởng đến nền kinh tế

Sức mạnh của nền kinh tế được đánh giá bởi chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đơn giản bởi, các chỉ số đo lường thị trường, giá cổ phiếu sẽ giúp đánh giá nền kinh tế đang ở ngưỡng nào.

Nhờ vào thị trường chứng khoán, Chính phủ sẽ kiểm soát tốt tình hình kinh tế quốc gia cũng như tình hình hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Việc phát hành các chứng khoán sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn dồi dào từ công chúng ngoài việc vay ngân hàng.

Ảnh hưởng đối với nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư mới được đánh giá là tiềm năng ngoài các kênh như vàng, bất động sản hay gửi tiền tiết kiệm. Nếu hoạt động nghiêm túc, bạn rất có thể sẽ đầu tư có lãi.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào thị trường chứng khoán thường có rủi ro. Bởi thế, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi tham gia.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version