Thị trường chứng khoán thế giới: Sự xuất hiện của “siêu biến chủng” Omicron làm tâm lý lo ngại về lạm phát và một viễn cảnh u ám, kéo trạng thái tâm lý xuống mức thấp, điều này khiến thị trường chứng khoán toàn thế giới đỏ lửa
Biến chủng Omicron lây lan, chứng khoán toàn cầu ‘bốc hơi’ 3.700 tỷ USD
Theo Nikkei Asia, chỉ trong vòng 1 tuần qua sau khi thông tin về biến chủng Omicron được công bố, vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm 3.700 tỷ USD, tương đương 3% vốn hoá thế giới.
Sự xuất hiện của “siêu biến chủng” Omicron đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư và khiến các loại cổ phiếu liên quan tới ngành du lịch (như hàng không) và hàng hoá (như dầu) giảm mạnh.
Các nhà đầu tư đã giảm nắm giữ các tài sản rủi ro trong tuần qua và vốn hóa thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã giảm nhanh chóng từ 4-5% so với trước thời điểm xuất hiện thông tin về biến chủng Omicron vào cuối tháng 11.
Tương tự, các ngành liên quan tới du lịch như hàng không, khách sạn cũng chứng kiến sự sụt giảm dòng tiền đáng kể. Giá cổ phiếu của quỹ giao dịch trao đổi theo dõi chỉ số cổ phiếu hàng không toàn cầu US Global Jets đã nhanh chóng giảm xuống dưới 20 USD – mức từng được ghi nhận lần cuối từ tháng 11/2020.
Thị trường chứng khoán thế giới: Dự đoán DJI sẽ tăng trưởng trong tương lai gần
Hợp đồng tương lai Dow Jones tăng mạnh hơn sau 1 tuần giảm điểm trên Phố Wall khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu giữa lúc lo ngại về biến chủng Omicron và động thái thắt chặt chính sách của Fed.
Hợp đồng tương lai Dow Jones tăng 244 điểm, còn S&P 500 tương lai cộng 0.44% và Nasdaq 100 gần như đi ngang.
Đà tăng diễn ra sau 1 tuần biến động mạnh. Tuần trước, chỉ số Dow Jones vẫn giảm 0.9%, S&P 500 giảm 1.2%, và Nasdaq Composite mất 2.6%.
Thị trường hàng hóa trước đó đang tăng cao cũng sụt giảm nhu cầu do sự lây lan của biến chủng mới. Giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm 13% vào ngày 26/11, chạm ngưỡng 62 USD/ thùng vào ngày 2/12, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8.
Công ty nghiên cứu Rystad Energy của Na Uy dự đoán rằng nếu biến chủng Omicron mới lại gây ra tình trạng đóng cửa thành phố và hạn chế biên giới trên diện rộng, nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm 3 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 1 đến tháng 3/2022.
Giá dầu giảm nhìn chung sẽ làm tổn hại tới các quốc gia giàu tài nguyên như Brazil. Với thị trường trái phiếu, lợi suất trên thị trường trái phiếu trung hạn đang tăng do dự đoán lãi suất cao hơn trong tương lai gần, trong khi lợi suất trên trái phiếu dài hạn đã giảm.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm trong tuần qua đã giảm, trong khi lợi tức đối với trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm lại tăng. Chênh lệch giữa trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 30 năm thu hẹp xuống còn khoảng 56 điểm cơ bản vào ngày 2/12 vừa qua – mức chênh lệch nhỏ nhất kể từ tháng 3/2020.
Theo chiến lược gia của JPMorgan tại Nhật Bản Takafumi Yamawaki, điều này “cho thấy sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế của thị trường”. Tuy vậy, tình hình thị trường cũng không hoàn toàn bi quan.
Mặc dù các chỉ số biến động thể hiện sự lo lắng của các nhà đầu tư, nhưng những thông tin mới về việc người nhiễm biến thể Omicron không triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ khiến nhiều người đang nuôi hi vọng về việc thị trường sẽ sớm ổn định trở lại.
Ông Shogo Maekawa, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết: “Có nhiều ẩn số mà chúng ta không thể chắc chắn, ví dụ như mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron, và cả khả năng dao động của thị trường trước những thông tin mới”. “Triển vọng về chính sách tiền tệ ở mỗi quốc gia cũng không thể đoán trước được.
Nếu các ngân hàng trung ương thận trọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, kỳ vọng về thanh khoản sẽ tiếp tục chảy vào thị trường có thể khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro”, ông Shogo nói.
Đến sáng 5/12 (theo giờ địa phương), biến chủng Omicron đã được xác định ở ít nhất 15 tiểu bang của Mỹ, bao gồm Hawaii và New York. Biến chủng này cũng đã được phát hiện tại nhiều châu lục khác, bao gồm cả châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á, nơi nhiều công ty có cơ sở sản xuất và nhà máy, nói riêng.
Vì sự lây lan của biến thể này có thể cản trở quá trình nền kinh tế Mỹ và các chuỗi cung ứng quay trở lại bình thường, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo về mức tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022, cụ thể giảm 0,4 điểm phần trăm xuống còn 3,8%.
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á đỏ lửa vì Omicron
Chỉ số MSCI AC Asean Index đã giảm khoảng 4% kể từ Lễ Tạ ơn của Mỹ – khi thông tin về biến thể virus mới lần đầu xuất hiện.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại về triển vọng tăng trưởng của khu vực. Nguyên nhân là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất sớm hơn những dự báo trước đó.
Cản trở quá trình phục hồi
Theo dữ liệu của Bloomberg, Đông Nam Á đã đạt được nhiều tiến bộ trong tiêm chủng. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn bị tụt hậu.
Hiện, chỉ 35% dân số Philippines được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ ở Indonesia là 37%. Omicron đang lây lan mạnh tại Nam Phi – nơi tỷ lệ tiêm chủng khoảng 25%.
“Sự xuất hiện của biến thể virus mới có thể khiến triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của khu vực ASEAN trở nên tồi tệ hơn”, ông Zhikai Chen- Trưởng bộ phận Cổ phiếu châu Á tại BNP Paribas Asset Management (có trụ sở tại Hong Kong) – cảnh báo.
Nền kinh tế khu vực cũng có thể bị ảnh hưởng khi kinh tế toàn cầu giảm tốc tăng trưởng vì biến thể mới. “Biến thể virus mới sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý IV/2021. Tác động có thể lớn hơn nữa nếu các chính phủ trên thế giới siết chặt hạn chế để ngăn ngừa virus lây lan”