FED mạnh tay bài trừ lạm phát, thị trường chứng khoán Phố Wall vui mừng “khoe” thành tích cuối ngày.
Thị trường chứng khoán phản hồi tích cực
Ngân hàng Trung ương công bố mức tăng 0,25% đối với lãi suất cơ bản (dự đoán trước đó là 0,75%) để chấm dứt thời kỳ “bênh vực” kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành.
FED đưa ra tín hiệu FOMC (Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ) có thể tăng lãi suất mục tiêu trong năm 2022 ở mức 1,9%, trong năm 2023 là 2,8%. Các mức tăng liên tục trong năm 2022 dự kiến sẽ đủ sức mạnh để làm tình trạng lạm phát hạ nhiệt.
Trước thông tin từ phía Chủ tịch FED – Jerome Powell, sau 5 ngày chìm trong sắc đỏ, thị trường chứng khoán đón nhận tin vui.
S&P 500 (.SPX) đóng cửa tăng 2,24%, lên 4.357,86, Nasdaq tích cực với mức tăng thêm 487,93 điểm, tương đương 3,77%. Dòng cổ phiếu công nghệ (.SPLRCT) tăng mạnh 3%, trong khi đó cổ phiếu thuộc về mảng tài chính (.SPSY) cũng đuổi trần với mức 2,77%.
Thị trường chứng khoán châu Á vui vẻ hơn khi Bắc Kinh hứa sẽ khiến nền kinh tế dần ổn định trở lại kể cả khi đang phải chống trọi với cuộc tấn công của Covid-19.
Chỉ số Hang Seng (HSI.) Hong Kong chốt tăng 9% trong đó nhóm bất động sản và công nghệ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, Country Garden Services Holdings (6098.HK) tăng 28%, Country Garden Holdings (2007.HK) tăng 26%, “điểm nhấn” Alibaba Group Holdings (9988.HK) tăng 9%.
Nhóm CSI300 tăng tiếp 2,3% so với mức 4,6% ghi nhận phiên cuối 15/3/2022, Nikkei Nhật Bản (.N225) tăng 3,5% – mức cao nhất trong 14 ngày qua. Chỉ số MSCI (.MIAP00000PUS) “thăng hoa” với mức tăng 3%.
Giá dầu tăng trở lại khi IEA tuyên bố nguồn cung năng lượng sẽ bị thiếu hụt.
Giá dầu thô Brent giao sau tăng 1,76 USD (tương đương 1,8%), hiện đang giao dịch ở mức 98,02 USD/thùng. Dầu WTI tăng 1,66 USD (tương đương 1,75%), giao dịch ở mức 95,04 USD/thùng.
Lạm phát là kẻ thù của thị trường chứng khoán, hành động quyết liệt hạ nhiệt lạm phát của FED là động lực thúc đẩy các chỉ số thị trường trở lại trạng thái tích cực.
FED có đang đi đúng hướng?
FED sẽ khó tránh khỏi việc bị đưa ra tranh luận rằng các chính sách được đưa ra liệu có thể kiểm soát lạm phát hay không. Chuyên gia chiến lược Jim Paulsen thuộc The Leuthold Group cho hay, tâm lý lo lắng đè nặng trong lòng các nhà đầu tư được gỡ bỏ khi FED tuyên chiến với lạm phát.
Giám đốc quỹ đầu tư Scott Ladner thuộc Horizon Investments nhấn mạnh: “Có vẻ như FED đang cố kích hoạt ngòi nổ suy thoái để cân bằng nguồn cung – cầu và xử lý nhanh gọn vấn nạn lạm phát. Có nên hay không”.
Cùng chung một nỗi hoài nghi, chuyên gia kinh tế trưởng Joseph LaVorgna cũng có chung một câu hỏi tương tự.
Joseph LaVorgna nhận xét: “Tôi cầu Chúa chúc cho (Jay) Powell sẽ thành công. FED liệu đã sẵn sàng cho kịch bản thất nghiệp trên quy mô lớn hay chưa? Chúng ta có phải đối đầu với 1 cuộc suy thoái hay không khi nhiều khả năng đường cong lợi suất đang có dấu hiệu đảo ngược”.
Đường cong lợi suất có đảo ngược?
* Đường cong lợi suất vô cùng nhạy cảm trong tình hình lạm phát. Trong điều kiện đường cong lợi suất đảo ngược (chênh lệch giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn dưới 0) là dấu hiệu của 1 nền kinh tế đang suy thoái.
Trong trường hợp lãi suất ngắn hạn tăng, các ngân hàng Mỹ cũng sẽ tăng lãi suất đối với các khoản vay tín dụng, tiêu dùng, thương mại. Điều này sẽ khiến tỷ lệ thế chấp tăng mạnh. Ngược lại, khi đường cong lợi suất cân bằng, tỷ suất lợi nhuận thu hẹp, các ngân hàng sẽ siết chặt tình trạng vay vốn.
Sự suy thoái kinh tế sẽ xảy ra khi chứng kiến cảnh lãi suất trái phiếu ngắn hạn (2 năm) tăng cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn – vốn là thước đo cho các khoản vay từ vay doanh nghiệp hoặc vay mua nhà.
Sự gia tăng lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm là một “tín hiệu đáng lo ngại”. Hiện tại, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 2,19% (trước đó là 1,5%), trong khi đó lợi tức trái phiếu ngắn hạn có xu hướng đảo ngược, đã tăng vọt lên mức 1,94% (trước đó là 0,73%).
Zoe (Nguồn Reuters/Bloomberg)