Thị trường chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao trong các tháng 8?

Thị trường chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao trong các tháng 8? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đã trải qua nửa đầu tiên của năm 2022 với diễn biến không mấy tích cực với việc chỉ số VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh sâu hơn 20%. Sang tới tháng đầu tiên của quý 3, thị trường ghi nhận nỗ lực giành lại sắc xanh của VN-Index trước ngưỡng cản quan trọng 1.200 điểm. 

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index tăng 0,73% so với thời điểm cuối tháng trước đó lên mức 1.206,3 điểm, đây cũng là tháng tăng điểm đầu tiên, dứt chuỗi 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ số chính của TTCK Việt Nam chìm trong sắc đỏ. Giá trị giao dịch toàn thị trường bình quân đạt 13.658 tỷ đồng/phiên. Tương tự, HNX-Index cũng tăng hơn 3,9% trong tháng 7, lên mức 288,61 điểm.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index hiện vẫn đang giảm 19,5% so với thời điểm cuối năm trước. 

Việc dòng tiền có xu hướng trở lại và luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu lớn được cho là động lực mạnh lúc đẩy chỉ số VN-Index tăng tốt trong nhiều phiên giao dịch. Tâm lý nhà đầu tư phần nào được cởi trói nhờ những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc chỉ số GDP quý 2/2022 của Việt Nam tăng trưởng 7,7%, vượt xa mức dự báo trung bình từ các tổ chức nghiên cứu trên thế giới; lạm phát được giữ ở con số ổn định, kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm được công bố với nhiều thông tin tích cực. Đồng thời, áp lực đè nặng từ các thông tin tiêu cực hay lo ngại nền kinh tế thế giới và đứt gãy chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể.

Tuy vậy, điểm trừ là trong tháng 7 vừa qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.025 tỷ đồng, giá trị mua ròng từ đầu năm 2022 tới nay bị thu hẹp còn hơn 2.831 tỷ đồng.

Bước sang tháng 8, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là đà tăng của thị trường liệu có thể tiếp diễn? Tháng 8 Dương lịch thường trùng với tháng 7 Âm lịch của Việt Nam, tháng “mưa ngâu” hay còn gọi là tháng “cô hồn” – quan niệm dân gian thường kiêng làm việc lớn. Thị trường chứng khoán đã có diễn biến tăng, giảm xen kẽ trong tháng này.

Cụ thể, thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong hơn 22 năm vận hành của VN-Index kể từ năm 2001, chỉ số này có 9 năm giảm điểm và 13 năm tăng điểm. Gần hơn là trong 6 năm gần nhất (2015-2021) thì có 4 năm chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm. Những con số thống kê phần nào cho thấy tín hiệu tương đối tích cực về sự vận động TTCK Việt Nam, bớt đi phần nào tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư.

4/6 năm gần nhất VN-Index đã tăng điểm trong tháng 8

Điều nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là sau tháng hồi phục có phần bất ngờ của tháng 7, thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phản ứng như thế nào, khi mà quan niệm cẩn trọng của dân gian trong tháng Bảy Âm lịch vẫn có khả năng tác động với tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong bản tin cập nhật cuối ngày 29/7 có đánh giá dòng tiền vẫn duy trì tâm lý thận trọng trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, khi VN-Index tiếp tục tăng điểm và tiến gần vùng kháng cự mạnh 1.215-1.220 điểm. Với áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang gây sức ép lên diễn biến hồi phục, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ cần thêm thời gian trong tháng 8 để hấp thụ hết lượng cung cổ phiếu trong vùng tranh chấp quan trọng này trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm. 

Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua đuổi và có thể cân nhắc mua tích lũy tại vùng hỗ trợ của các cổ phiếu đang có tín hiệu thu hút dòng tiền.

Tương tự, Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng nhận định nhiều khả năng chỉ số VN-Index đang trong nhịp thoái lui ề lại mốc quan sát 1.200 điểm. Sau các nhịp điều chỉnh tích lũy, chỉ số sẽ tạo đà để chinh phục trở lại vùng kháng cự 1.218 – 1.220 điểm trong những phiên đầu tháng 8. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp này để gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.

Theo đánh giá của Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), thị trường Việt Nam cũng đang trong mùa kết quả kinh doanh tương đối tích cực với sự nổi bật của nhóm ngành ngân hàng. Tính đến hết tháng 7, các doanh nghiệp công bố báo cáo KQKD đã chiếm hơn 70% vốn hóa, song dấu ấn của mùa KQKD sẽ nhạt đi trong tháng 8. Vì vậy, ông Huy vẫn chưa nhìn thấy câu chuyện hỗ trợ đủ lớn để thị trường có thể bứt phá quá xa.

Vị chuyên gia tới từ HSC cho rằng, thị trường tháng 8 cũng vận động tương tự như tháng 7. Biên đi ngang hiện tại khả năng tiếp tục được duy trì với hỗ trợ là vùng đáy cũ 1.150-1.160 điểm và kháng cự là vùng 1.210-1.220 điểm. Nếu kháng cự phía trên bị phá vỡ, biên dao động của thị trường có thể được nới ra chút ít, tuy nhiên cách diễn biến – vận động khả năng sẽ tương tự tháng 7. Với cách diễn biến đó, luôn có những cơ hội với những nhóm cổ phiếu cụ thể, có câu chuyện riêng và được phân hóa.

https://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-thuong-bien-dong-ra-sao-trong-cac-thang-8-20220731184153299.chn

Exit mobile version