Thị trường đã tạo đáy, cổ phiếu nào đang hấp dẫn?

Thị trường đã tạo đáy, cổ phiếu nào đang hấp dẫn?

Chứng khoán liệu đã lập đáy, sau thời gian điều chỉnh sâu thì cổ phiếu nào hấp dẫn hiện nay… Đây là những vấn đề nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi về diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia từ MBS cho rằng, thị trường đã xác lập đáy ngắn hạn và hướng tới 1.120 điểm trong cuối năm nay…

Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường chứng khoán gần đây, liệu VN-Index đã lập đáy?

Thời gian gần đây thị trường chứng khoán biến động khá mạnh, có lúc Vn-Index đã giảm sâu đến mức 875 điểm mới phục hồi lên lại và tăng mạnh đột ngột 11% chỉ sau 2 phiên giao dịch. Điều này cho thấy sự hoảng loạn khi mua và khi bán của nhà đầu tư.

Trong tuần vừa qua, VN-Index tiếp tục tạo đáy thứ 2 thành công. Tôi cho rằng đây thị trường đã tạo đáy ngắn hạn ở đây, thậm chí là đáy trung hạn cho tới tháng 3, tháng 4/2023.

Về thanh khoản, dòng tiền tuần qua hạ nhiệt trở lại với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 9.003 tỷ đồng, giảm 8% so với tuần trước. Theo thống kê, mức thanh khoản bình quân toàn thị trường tháng 11 đạt 12.110 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 10. Đây cũng là tín hiệu tích cực do thị trường thường tạo đáy khi thanh khoản thấp.

Nếu xét thêm các yếu tố về vĩ mô thế giới, ví dụ chỉ số CPI của Mỹ đã giảm dần đều chỉ còn 7,7% trong đợt đánh giá gần nhất, cũng như thị trường chứng khoán của Mỹ đã tăng đến gần mức đỉnh (34,500 điểm), chỉ cách 6,7% so với mức đỉnh tiệm cận 37.000 điểm. Chính vì động thái này mà chúng ta thấy rằng các quỹ nước ngoài đã bắt đầu vào và bắt đáy cổ phiếu Việt Nam, rõ ràng cổ phiếu Việt Nam của chúng ta đang rất hấp dẫn.

Đánh giá của ông về các thông tin gần đây như việc Thủ tướng lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải ngân, các thông điệp liên quan trái phiếu doanh nghiệp…?

Về các thông tin như Thủ tướng lập Tổ công tác gỡ khó cho bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải ngân, các thông điệp liên quan trái phiếu doanh nghiệp tôi cho rằng đây là các tín hiệu tích cực cho thấy Chính phủ vẫn luôn hành động để hướng đến việc phát triển nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Chúng ta có thể hiểu hành động của nhà nước như sau:

Đưa ra chính sách, thúc đẩy nền kinh tế, sau đó sẽ có các thành phần trục lợi chính sách.

Xử lý thành phần trục lợi, đưa ra các chính sách sửa đổi để góp phần giúp nền kinh tế phát triển bền vững.

Hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào bất động sản, điều này chắc chắn là không tốt khi người dân ai cũng chỉ lo giao dịch bất động sản để kiếm lời, không tập trung vào các ngành nghề lao động sản xuất khác. Điều này kéo dài sẽ tạo ra hệ lụy lớn hơn bây giờ khi bong bóng bất động sản ngày một lớn dần, nền kinh tế thì thiếu hụt trầm trọng hàng hóa sản xuất. Thời điểm hiện tại, Chính phủ sẽ ưu tiên điều chỉnh dòng vốn vào ngành nghề sản xuất, sau đó mới ổn định niềm tin của người dân vào trái phiếu bất động sản và các sản phẩm bất động sản đầu tư khác.

Nhận định của ông về xu hướng của VN-Index trong thời gian cuối 2022, liệu đà hồi phục gần đây có được duy trì?

Về xu hướng từ nay đến cuối năm 2022, tôi cho rằng sẽ là xu hướng tăng điểm và hướng tới mục tiêu 1.120 điểm vào cuối năm nay, tức là tăng thêm khoảng 15,4% tính từ thời điểm đóng cửa ở vùng 971 vào thứ 6 ngày 25/11/2022. Nhà đầu tư có thể tập trung vào các nhóm cổ phiếu sau:

Nhóm cổ phiếu đã giảm sâu (nhóm bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng, vật liệu xây dựng) với kỳ vọng phục hồi ngắn hạn do giá giảm quá sâu.

Nhóm cổ phiếu blue chip có lợi nhuận kinh doanh ổn định, nhóm ngân hàng với kỳ vọng là trụ cột lead chỉ số Vn-Index tăng trong thời gian tới.

Ông đánh giá về xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Về xu hướng mua bán của nhà đầu tư nước ngoài tuần qua, nhóm này vẫn tiếp tục giải ngân trên thị trường với giá trị 1.612 tỷ đồng. Trong 2 tuần trước, khối ngoại đã mua ròng gần 10.000 tỷ đồng thông qua các quỹ ETFs.

Tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục giải ngân vào chứng khoán Việt Nam do các yếu tố vĩ mô trên thế giới đã ổn định. CPI của Mỹ đã giảm, qua đó cho thấy tốc độ tăng lãi suất của FED sẽ giảm đi, từ đó không gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Yếu tố thứ 2 chính là nội lực của kinh tế Việt Nam mạnh mẽ hơn các nước trong khu vực với tốc độ tăng trưởng đạt 8%, trong khi thị trường chứng khoán giảm 35% so với vùng đỉnh đầu năm (các nước trong khu vực chỉ giảm từ 7- 15%). Vì vậy, cổ phiếu của Việt Nam hiện tại đang rất hấp dẫn.

Cảm ơn ông!

Exit mobile version