Thị trường lội ngược dòng phiên thứ 2 liên tiếp, thanh khoản HoSE xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng

Thị trường lội ngược dòng phiên thứ 2 liên tiếp, thanh khoản HoSE xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán vừa có thêm một phiên lội ngược dòng khi VN-Index hồi mạnh từ mức giảm hơn 15 điểm lên đóng cửa tăng gần 8 điểm. Đây đã là phiên thứ 2 liên tiếp thị trường hồi phục từ đáy với sắc xanh, tím trở lại trên diện rộng. Tuy nhiên, giao dịch vẫn rất thấp dù nhiều nhà đầu tư chờ đợi một cú bùng nổ theo đà. Giá trị khớp lệnh tiếp tục phá đáy xuống mức 10.300 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 16 tháng kể từ phiên 31/12/2020.

Không còn mang tính thời điểm như đợt trước nghỉ lễ, thanh khoản thấp đã trở thành xu hướng. Giá trị giao dịch khớp lệnh đã liên tục giảm kể từ tháng 11/2021 từ mức bình quân 30.000 tỷ đồng/ngày xuống còn khoảng 20.700 tỷ đồng/ngày vào tháng 4/2022, giảm gần 17% so với tháng trước. Mirae Asset đánh giá thanh khoản đang suy giảm đáng lo ngại khi giá trị giao dịch bình quân tuần cuối tháng 4 chạm mức thấp nhất trong vòng 12 tháng.

Thanh khoản sàn HoSE xuống mức thấp nhất trong 16 tháng

Thay vì trông đợi với những phiên bùng nổ liên tục với giá trị giao dịch lên đến hàng tỷ USD như giai đoạn trước, nhà đầu tư có lẽ sẽ phải quen dần với mức thanh khoản thấp như hiện nay khi không còn môi trường tiền rẻ.

Ngày 5/5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đánh dấu bước nâng lãi suất mạnh nhất trong hơn 20 năm. Động thái này không gây bất ngờ khi khớp với những gì đã bàn luận trong biên bản họp Fed tháng 3/2022. Dù vậy, đợt nâng lãi suất này sẽ đẩy lãi suất quỹ liên bang (Fed fund rate) lên phạm vi 0,75-1% và theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lên 3-3,25% vào cuối năm 2022.

Mặt bằng lãi suất trong nước đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 năm 2020 và 2021 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước áp lực từ các động thái mang tính diều hâu của Fed, Việt Nam sẽ khó nằm ngoài xu hướng tăng lãi suất và điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào chứng khoán trong thời gian tới.

Một điểm khá bất ngờ là thanh khoản suy giảm trong bối cảnh lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trong tháng 4, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 230.000 tài khoản chứng khoán, giảm so với con số kỷ lục vào tháng trước nhưng vẫn ghi nhận mức cao thứ 2 trong lịch sử. Lũy kế 4 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 900.000 tài khoản chứng khoán, gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.

Trong tháng 4, nhà đầu tư cá nhân ghi nhận bán ròng mạnh nhất từ đầu năm 2021, bán ròng 4.300 tỷ đồng. Mặc dù vậy, số liệu Fiingroup ghi nhận lượng tiền trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng, số dư tiền gửi/tài khoản của quý 1/2022 thậm chí giảm so với quý 4/2021.

https://cafef.vn/thi-truong-loi-nguoc-dong-phien-thu-2-lien-tiep-thanh-khoan-hose-xuong-muc-thap-nhat-trong-vong-16-thang-20220511152334464.chn

Exit mobile version