“Thiên thời địa lợi” để mở lại các đường bay quốc tế

“Thiên thời địa lợi” để mở lại các đường bay quốc tế

Theo nhận định của một số chuyên gia, thời điểm hiện tại được cho là “thiên thời địa lợi” để mở lại các đường bay quốc tế.

Nhiều quan điểm đồng tình với kế hoạch bay quốc tế của Bộ GTVT

Đây là nhận định của GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân khi nhìn nhận về kế hoạch khôi phục lại đường bay quốc tế mà Bộ GTVT vừa đưa ra. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như khả năng ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra.

Trải qua đợt dịch thứ 4, nền kinh tế Việt Nam phải chịu tác động rất lớn. Tuy nhiên, nhiều kinh nghiệm đã được tích lũy. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm vaccine hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Về cơ bản, nền tảng y tế phòng chống dịch Việt Nam có mức độ tiêm chủng tương đương với các nền kinh tế phát triển.

“Kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ. Với phương châm không thể phong toả mãi, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi. Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật lớn và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch.

Theo đánh giá của GS.TS Trần Thọ Đạt, chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn về virus, cách lây nhiễm và điều trị cho bệnh nhân cũng như việc hạn chế phát tán.

Với phương châm linh hoạt, chậm nhưng chắc, Việt Nam cần phải thích ứng an toàn với COVID-19. Việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế trong kế hoạch Bộ GTVT đưa ra đủ thận trọng, đủ cần thiết, có lộ trình mở cửa chắc chắn, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cùng quan điểm và cho rằng: “Với tư cách là một chuyên gia về dịch tễ học, tôi hoàn toàn thống nhất đề nghị của Bộ GTVT về mở lại đường bay quốc tế thường lệ”.

Còn phía đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) cho rằng, điều quan trọng nhất là tốc độ tiêm chủng vaccine. Ngành du lịch mong muốn rút ngắn giai đoạn thí điểm mở cửa du lịch.

Theo đó, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, số người được tiêm chủng sẽ tăng rất nhanh, Tổng cục Du lịch mong muốn có thêm nhiều địa phương tham gia vào chương trình thí điểm du lịch bên cạnh 5 địa phương đang thực hiện thí điểm hiện nay là Quảng Ninh, Khánh HòaQuảng Nam, Đà Nẵng,  Kiên Giang.

Điều kiện mở lại bay quốc tế của Bộ GTVT

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, một số điều kiện để mở lại bay quốc tế gồm:

Giai đoạn 1 triển khai từ quý I/2022:

Tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).

Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài.

Khai thác ở 15 nước và vũng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào, Pháp, Campuchia, Đức, Nga, Australia, Anh.

Tần suất khai thác sẽ là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến, khoảng 12.000 người/tuần sẽ nhập cảnh Việt Nam. Căn cứ vào ý kiến của các địa phương liên quan về khả năng bố trí cơ sở cách ly, tiếp nhận hành khách, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác cấp phép bay theo quy định.

Hành khách phải tiêm đủ liều vaccine và thực hiện cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, kèm theo xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định bao gồm chi phí phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.

Đối với hành khách chưa tiêm đủ liều vaccine và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày: Có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập. Nhưng giai đoạn này triển khai phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch COVID-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vaccine”.

Giai đoạn 2: Triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam

Trong đó, không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vaccine từ quý II/2022. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Hành khách mang “hộ chiếu vaccine” và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 – 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng hành khách chưa có hộ chiếu vắc xin sẽ phải cách ly tập trung trong 14 ngày.

Giai đoạn 3: Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu

Tuỳ thuộc vào diễn biến dịch cũng như tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam và thế giới, các hãng hàng không sẽ tự quyết định thị trường và tần suất khai thác, triển khai từ quý III/2022.

Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Chính phủ quyết định thời điểm cụ thể về việc triển khai các giai đoạn thực hiện nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, dựa trên cơ sở báo cáo tổng kết, việc đánh giá tình hình thực hiện các chuyến bay hành khách tự trả chi phí cách ly (combo) trong tình hình mới, các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại 7 một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam) và kết quả thực hiện của từng giai đoạn.

Đối với các chuyến bay công dân Việt Nam tự trả chi phí cách ly (combo) sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao ban hành.

Các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng theo thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành.

Đánh giá về quy mô thị trường cũng như nguồn khách quốc tế hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ Ngoại giao báo cáo, nhu cầu công dân về nước khoảng 200.000 người. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, nếu tạo điều kiện thì bà con về nước sẽ tăng hơn. Nhiều người nước ngoài đang sống, làm việc vàhọc tập tại Việt Nam, thân nhân mong muốn đến Việt Nam để ghé thăm cũng không nhỏ…. Cục Hàng không ước tính trước mắt, lượng khách quốc tế có thể đến Việt Nam khoảng 500.000 người.

Cát Anh (t/h)

Exit mobile version