Thông tin tiêu cực đã dần bão hòa, định giá thị trường dần hợp lý để đầu tư dài hạn

Thông tin tiêu cực đã dần bão hòa, định giá thị trường hợp lý để đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua thời gian đầy bi quan khi các chỉ số toàn cầu đều đồng loạt lao dốc. nằm ngoài xu hướng chung, thị trường Việt Nam đã có 3 tháng biến động hết sức tiêu cực khi VN-Index lần lượt rơi khỏi các mốc quan trọng là 1.300 và 1.200 điểm.

Thanh khoản có dấu hiệu tạo đáy

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá khối lượng giao dịch bình quân tháng 6 gần như không thay đổi so với tháng trước với mức giảm chưa tới 1%, đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Đội ngũ phân tích cho rằng thanh khoản thị trường cơ sở đang có dấu hiệu tạo đáy sau thời gian dài VN-Index điều chỉnh mạnh, bởi nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đã về mức hấp dẫn.

Mặt khác, TPS đánh giá thông tin tiêu cực đã dần bão hòa, một khi thị trường cơ sở ổn định, dòng tiền từ thị trường tương lai sẽ trở lại với VN-Index. Thêm vào đó, quy chế giao dịch mới (t+2) của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) dự kiến sẽ được áp dụng từ tháng 08 tới sẽ tạo cú hích giúp thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trở về. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của VN-Index sẽ khó có thể trở lại như giai đoạn cuối năm 2021 khi dòng tiền giờ đây phần nào đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 và nỗi sợ lạm phát cũng đã khiến dòng tiền tìm về các kênh đầu tư phòng thủ.

Theo TPS, sự trở lại của dòng tiền sẽ tập trung tại cổ phiếu vốn hóa lớn là VN-30 sau khi thị trường trải qua các nhịp điều chỉnh để rũ bỏ các cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Thay vào đó là tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, kết quả kinh doanh tích cực, thanh khoản cao và minh bạch trong việc cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, TPS cho rằng có một điểm sáng có thể hỗ trợ dòng tiền trong thời gian tới là xu hướng dòng tiền từ khối ngoại sẽ tiếp tục được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi, hiện VN-Index nói chung và nhiều cổ phiếu tốt nói riêng đã có mức giá hấp dẫn với mức chiết khấu hơn 20% tính từ đỉnh. Trong khi đó, lạm phát và tỷ giá của Việt Nam vẫn được Chính phủ điều tiết ổn định, là cơ sở để thu hút dòng vốn nước ngoài.

Về định giá, đội ngũ phân tích cũng cho rằng việc VN-Index điều chỉnh sâu trong quý 2/2022 giúp P/E thị trường trở về vùng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, khi so với các quốc gia trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang rất hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức ROE thuộc nhóm cao nhất. Chính vì vậy, TPS cho rằng đây là thời điểm hợp lý để mua gom những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao.

Với mức định giá hợp lý có thể kích thích xu hướng dòng ETF nở rộ tại Việt Nam cùng với việc được khối ngoại tích cực mua vào.Dự báo của TPS trong nửa cuối năm 2022, dòng vốn ETF vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, sẽ chỉ tập trung vào các chứng chỉ quỹ ETF có tiềm năng tăng trưởng, chẳng hạn như VFMVN Diamond ETF với đặc trưng là danh mục gồm nhiều cổ phiếu kịch room và có triển vọng tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, sản phẩm ETF sẽ đa dạng hơn khi hai quỹ ETF mới gồm DCVFM VNMidcap và KIM Growth VNFinselect được tung ra thị trường trong 6 tháng cuối năm.

Triển vọng dài hạn tích cực

Trong ngắn hạn, đội ngũ TPS cho rằng rất khó để dự báo chính xác diễn biến thị trường nhưng triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ (1) Tình hình vĩ mô ổn định, (2) Thị trường có mức định giá hấp dẫn trong khu vực và (3) Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vốn hóa lớn vẫn khả quan. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý những rủi ro về suy thoái tại EU và Mỹ, căng thẳng Nga và Ukraine và lạm phát và chính sách điều tiết tiền tệ của FED.

Trong tháng 7, TPS đưa ra 3 kịch bản về biến động của thị trường  với kỳ vọng VN-Index sẽ chững lại đà giảm sau khi đã chiết khấu khá sâu trong thời gian qua. Thêm vào đó, kịch bản này dựa trên nhận định rằng các thông tin tiêu cực đã bão hòa và khó có các cú sốc thông tin lập lại như giai đoạn đầu năm nay. Cụ thể, TPS cho rằng trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể duy trì trong ngưỡng 1.231 – 1.330 điểm và trong kịch bản tiêu cực có thể về ngưỡng 1.000 – 1.149 điểm.

Trong kịch bản nửa cuối năm 2022, TPS cho rằng VN-Index sẽ sideway và chờ đợi một sự hồi phục trở lại. Trong 6 tháng cuối năm, diễn biến lạm phát và lãi suất vẫn là thông tin quan trọng bậc nhất. Cụ thể, vào tháng 07, 09, 11 và 12 FED sẽ có quyết định tăng lãi suất và những sự kiện này sẽ có tác động đến thị trường.

Về nhóm ngành, câu chuyện nổi bật trong nửa cuối năm 2022 vẫn sẽ là những ngành được hưởng lợi từ việc đứt gãy chỗi cung ứng và xuất khẩu như: Dầu khí, Vận tải, Thủy sản và Dệt may. Ngoài ra, sau đợt sụt giảm mạnh, một số cổ phiếu đã có chiết khấu lớn đến mức khó có khả năng giảm mạnh hơn nữa như cổ phiếu Chứng khoán mất hơn 50% giá trị từ đỉnh, các cổ phiếu Bất động sản lùi sâu hơn 30% so với mức cao tháng 01/2022 hay một số cổ phiếu Sắt – Thép đã giảm hơn 60% giá trị. Do đó, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho những nhà đầu tư dài hạn vì thời điểm này, các cổ phiếu tiềm năng đã có mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với trước.

Về ngành Ngân hàng, bức tranh của ngành này là lạc quan với nhiều triển vọng trong 2 quý cuối năm 2022. Kỳ vọng room tín dụng sẽ được mở rộng sau khi tín dụng trong 6 tháng qua ở các Ngân hàng Thương mại gần như đã chạm trần. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước nới room trong thời gian tới cũng là tín hiệu cho thấy một cách rõ nét chích sách điều tiết tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh FED và ECB dự kiến sẽ có những động thái tăng lãi suất quyết liệt hơn nhằm kìm hãm lạm phát.

https://cafef.vn/thong-tin-tieu-cuc-da-dan-bao-hoa-dinh-gia-thi-truong-dan-hop-ly-de-dau-tu-dai-han-20220719090937299.chn

Exit mobile version