Thu ngân sách 8 tháng đạt 74,8% dự toán

Gần đây, xuất phát từ thông tin báo chí nêu, dư luận rất quan tâm đến thu ngân sách nhà nước. Thực tế, nội dung này cũng đã được Bộ Tài chính cập nhật rõ ràng theo báo cáo từng tháng.

Thu ngân sách 8 tháng thế nào ?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8 dự toán, tăng 14,3 so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương ước đạt 71,4 dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán),

Trong đó, thu nội địa: ước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý). Lũy kế thu 8 tháng đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12%  so cùng kỳ năm 2020.

Do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng: tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng; tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng; tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng; tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ  đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4  nghìn tỷ đồng; tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng.

Thu từ dầu thô: ước đạt 3,3 nghìn tỷ đồng giảm 224 tỷ đồng so tháng 7. Lũy kế thu 8 tháng đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng so tháng 7, giảm 9 nghìn tỷ đồng so bình quân 7 tháng đầu năm. Lũy kế thu 8 tháng đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân,  ngphó với đại dịch Covid-19.

Chi ngân sách ra sao ?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2 dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt xấp xỉ 72 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 652,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm vẫn chậm, mới đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,41%), trong đó vốn ngoài nước chỉ đạt 7,94% kế hoạch; có 03 Bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch; 27 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch, trong đó vẫn còn 04 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021.

Tại cuộc họp UBTVQH ngày 16/9 bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH, hiện nay Ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ) đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như Công an, Quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ điều chỉnh vào Dự phòng Ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Exit mobile version