Những thùng dầu Nga biến mất khỏi bản đồ, ai đang thu mua lặng lẽ trong bóng tối?

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã biến điện Kremlin trở thành cái tên bị ruồng bỏ trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu về dầu Nga có thể đang hồi sinh một cách tương đối bí mật.

Theo báo cáo của CNN, nhiều tàu chở dầu Nga đã biến mất khỏi hệ thống theo dõi. Hành động tắt tín hiệu giám sát hay “hoạt động trong bóng tối” – của những tàu chở dầu thô có liên hệ với Nga đã tăng 600% so với trước khi xung đột bùng nổ, theo công ty quản lý rủi ro hàng hải Windward.

Tàu chở dầu Nga biến mất khỏi bản đồ

Ông Ami Daniel – CEO của Windward, công ty chuyên dùng AI giám sát ngành công nghiệp hàng hải khẳng định, “Chúng tôi quan sát thấy hiện tượng tàu chở dầu Nga cố ý tắt tín hiệu để lách lệnh trừng phạt đã tăng vọt. Tàu chở hàng của Nga đang bắt đầu giấu giếm vị trí và hàng hóa xuất khẩu”.

Theo công nghệ AI của Windward, trong tuần bắt đầu từ ngày 12/3, các tàu chở dầu của Nga đã tắt tín hiệu 33 lần, tăng 236% so với cùng thời điểm vào năm ngoái.

Hãng nghiên cứu Rystad Energy ươc tính, khoảng 1,2 – 1,5 triệu thùng dầu thô của Nga đã biến mất mỗi ngày trong 5 tuần kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đích đến của lượng dầu thô xuất khẩu còn lại từ Nga ngày càng là một con số bí ẩn. Ước tính tổng khoảng 4,5 triệu thùng dầu đã biến mất một cách âm thầm.

Giới phân tích nói rằng các công ty lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang thu gom sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga. Một số lượng lớn dầu Nga đã chuyển đến New Delhi trong khi Trung Quốc cũng đang để ý đến dầu chiết khấu của Nga.

Trong khi Mỹ và Anh đã ban lệnh cấm vận dầu của Nga, EU vẫn đang chần chừ với quyết định cấm dầu Nga do vẫn phụ thuộc lớn vào dầu xuất khẩu của Nga. Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp dụng vào Nga đã khiến các công ty nước ngoài dừng mua dầu Nga dù với giá mua hấp dẫn.

Khi hàng triệu thùng dầu biến mất, các nhà phân tích dự đoán hoạt động trong bóng tối có thể giúp các nhà giao dịch phương Tây tránh được cuộc khủng hoảng truyền thông.

Exit mobile version