Thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp hạng 33 thế giới

Thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp hạng 33 thế giới

Thương hiệu quốc gia Việt Nam đang được duy trì ở hạng 33 thế giới, được định giá 388 tỷ USD năm 2021.

Chính phủ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tại Lễ khai mạc “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022” diễn ra vào ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Công thương – Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ thông tin này.

Hiện Việt Nam đang được đánh giá là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP của Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Những điều này trở thành bệ phóng vô cùng mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trên bảng xếp hạng thế giới.

Thông tin thêm, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, đánh giá từ Brand Finance cho thấy, 3 năm trở lại đây, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Điều này có được là nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Không thể không kể đến sự đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Sự hỗ trợ của chương trình đã giúp nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam ý thức được sự quan trọng của thương hiệu, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm và giá trị doanh nghiệp. Thực tế, nhiều thương hiệu Việt đã có tiếng vang ở thị trường khu vực và trên thế giới.

Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 là 28% nhưng năm 2021 đã là 34%. Còn trong Top 10 thương hiệu giá trị lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh mẽ từ 20% (năm 2018) lên 60% (năm 2021).

Theo đánh giá của Brand Finance, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tăng từ 21,9% (năm 2018) lên gần 68% (năm 2021).

Kiều bào nước ngoài đóng góp không nhỏ vào thương hiệu quốc gia Việt Nam

Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kết quả đó còn có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó phải kể đến cộng đồng doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hình minh họa.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, vai trò của doanh nhân kiều bào không chỉ ở nguồn tài chính chuyển về nước dưới hình thức đầu tư, kiều hối mỗi năm, nó còn là sự thúc đẩy hội nhập quốc tế, ở những hoạt động giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước ở các khu vực trên thế giới kết nối với nhau.

Dù quy mô các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào còn hạn chế nhưng đã góp phần phủ sóng trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Chưa kể, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam quy mô lớn, còn nhiều dư địa hợp tác với trong nước.

Các cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng được cộng đồng kiều bào giúp tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa để có thể chọn lọc, đưa sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối. Thậm chí, các sản phẩm Việt Nam còn được đưa cả lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, đến với rộng rãi cộng đồng nước ngoài.

Exit mobile version