Trong thời gian này, dịch vụ bay ngắm cảnh bằng thủy phi cơ tại Tuần Châu (Hạ Long) vẫn sẽ được duy trì hoạt động.
Lý do thủy phi cơ vẫn hoạt động trên vịnh Hạ Long
Từ ngày 6/4, sau khi một máy bay trực thăng gặp sự cố rơi trên vịnh Hạ Long, dịch vụ bay ngắm vịnh Hạ Long từ trên cao bằng trực thăng bị tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động bay ngắm vịnh bằng thủy phi cơ sẽ vẫn hoạt động bình thường.
Chuyến bay bằng thủy phi cơ để ngắm vịnh Hạ Long được hãng hàng không Hải Âu thực hiện khai thác với tần suất là 8 chuyến/ngày, xuất phát từ đảo Tuần Châu. Thời gian bay của mỗi chuyến là 25 phút với tối đa 12 hành khách.
Theo hãng thông tin, thuỷ phi cơ sử dụng trong dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long là loại máy bay Cessna Caravan C208B-EX, được sản xuất năm 2014, nhập khẩu từ Mỹ.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cho hay, thuỷ phi cơ Cessna Caravan C208B-EX là loại máy bay có một động cơ lớn nhất, cũng là máy bay một động cơ an toàn nhất khi cất và hạ cánh trên mặt nước.
Thuỷ phi cơ được gắn 2 phao bên dưới máy bay để có thể cất và hạ cánh trên mặt nước và vận hành tại vịnh Hạ Long. Bên trong thủy phi cơ là hệ thống thiết bị hàng không tối tân nhất, radar thời tiết, hệ thống theo dõi bão, hệ thống GPS…
Mới đây, trong thông cáo báo chí, hãng này cho biết, mọi hoạt động khai thác bay, trong đó có các chuyến bay bằng thủy phi cơ của hãng được thực hiện theo các tiêu chuẩn an toàn bay mà Cục Hàng không Việt Nam quy định.
Không những vậy, các chuyến bay chỉ được thực hiện nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn khai thác, trong đó có điều kiện về thời tiết.
Xác định vụ rơi trực thăng Bell 505 là sự cố mức A
Thông tin trên Zing, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, phía Cục đang phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý vụ rơi trực thăng trên vịnh Hạ Long theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Lực lượng chức năng thực hiện tìm kiếm, trục vớt nạn nhân vụ rơi máy bay trực thăng trên vịnh Hạ Long.
Theo xác định của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ theo Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn, vụ việc là sự cố hàng không mức A – mức tai nạn hàng không. Sự cố này sẽ thực hiện điều tra theo Điều 106 Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Được biết, sự cố hàng không mức A là mức cao nhất trong thang đo 5 mức được Cục Hàng không quy định. Các mức còn lại gồm B (sự cố nghiêm trọng), C (sự cố uy hiếp an toàn cao), D (sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn) và E (vụ việc không uy hiếp an toàn nhưng ảnh hưởng đến dịch vụ).
Đề xuất của Cục Hàng không trình Chính phủ là tiến hành công tác điều tra vụ tai nạn này với sự tham gia liên ngành, phối hợp với nhà sản xuất máy bay.