Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang được yêu cầu khẩn trương giải quyết các kiến nghị của Cộng đồng doanh nghiệp FDI tại tỉnh.
Tiền Giang nếu phát sinh khó khăn cần xin ý kiến tháo gỡ
Trước việc Cộng đồng các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang đề nghị Thủ tướng xem xét và có biện pháp can thiệp giúp đỡ doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm và ổn định đời sống kinh tế cho người lao động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của Cộng đồng doanh nghiệp FDI tại tỉnh này.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và phục hồi, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Tiền Giang cần khẩn trương xin ý kiến bộ chuyên ngành để tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền.
Doanh nghiệp FDI kêu cứu
Trước đó, Cộng đồng doanh nghiệp FDI tại tỉnh Tiền Giang có thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp sớm được hoạt động trở lại vào ngày 19/10.
Thư cầu cứu đề cập đến 5 vấn đề gồm:
- Đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.
- Cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào ngày 1/11/2021. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách cũng như phương án phòng chống dịch.
- Không hạn thời gian giới nghiêm (19h tối đến 5h sáng hôm sau) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc (theo công văn số 6249/UBND-KGVX, ngày 18/10/2021).
- Đề nghị test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.
- Đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.
Về việc tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất 3 tại chỗ làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn, ông Nguyễn Nhật Trường – Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, quyết định được đưa ra trong bối cảnh độ phủ vaccine cho công nhân rất thấp chỉ khoảng 45%.
Ông Trường cho hay, việc áp dụng sản xuất 3 tại chỗ là để xử lý tình huống khi độ phủ vaccine còn thấp. Hiện nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn còn rất cao. Chúng ta không thể đánh đổi sức khỏe của công nhân, của cộng đồng được.
Cát Anh (T/h)