Quan chức Trung Quốc: Tiền mã hóa là Kế hoạch Ponzi lớn nhất trong lịch sử loài người

Các quan chức của Mạng lưới dịch vụ Blockchain (BSN) Trung Quốc ví tiền mã hóa và mô hình kinh doanh Web3 như hình thức lừa đảo đầu tư.

Chủ tịch của Liên minh Phát triển Mạng lưới Dịch vụ Blockchain (BSN) của Trung Quốc Shan Zhiguang và đồng nghiệp He Yifan đã khẳng định trong một bài báo được công bố gần đây rằng tiền ảo “chắc chắn là kế hoạch Ponzi lớn nhất trong lịch sử nhân loại”. Tuy nhiên, hai chuyên gia cũng khẳng định “giá trị của công nghệ blockchain không nên bị bỏ qua vì tiền ảo”.

Trong một bài báo gần đây được đăng tải bởi tờ People Daily Online, chủ tịch BSN và đồng nghiệp của ông bắt đầu cuộc tấn công vào tiền ảo và Bitcoin bằng cách chỉ ra thực tế là nó đã bị phê bình một cách tiêu cực bởi ít nhất 90% trong số 100 người giàu nhất trên thế giới. 

BSN chỉ ra rằng giá của tiền mã hóa không hề có giá trị nội tại mà dựa hoàn toàn vào hai yếu tố đó là lòng tin của người tham gia và số lượng nhà đầu tư mới. Hai đặc điểm này tương tự mô hình Ponzi.

“Mô hình Ponzi” mà hai chuyên gia nhắc tới là hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư, trả lợi nhuận cho người trước đó bằng tiền từ nhà đầu tư gia nhập sau. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc phương tiện khác, không biết các nhà đầu tư khác là nguồn tiền. 

Họ còn chỉ trích mô hình X-to-earn – ‘X’ có thể là bất kỳ hoạt động hàng ngày nào của con người như ăn uống, tập thể dục, ngủ, mua sắm, học tập, chơi trò chơi hoặc xem phim truyền hình. ‘Earn’ sẽ là lợi nhuận tài chính được tạo ra bằng cách thực hiện các hành động này. Trong thời đại Web3, mọi người có thể thu được lợi ích thông qua các hành động hàng ngày của họ, để tạo ra tiền mã hóa.

Hoài nghi đối với thị trường tiền mã hóa ngày một tăng sau khi thị trường này sụt giảm nghiêm trọng khi Mỹ và phương Tây thắt chặt chính sách tiền tệ. Năm ngoái, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua tiền điện tử trong giai đoạn thị trường bùng nổ. Đến nay, hầu hết họ đang phải chịu thua lỗ với khoản đầu tư này. Thậm chí, không ít các nền tảng cho vay tiền điện tử, quỹ đầu tư hay tổ chức phát hành stablecoin cũng đang đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Từ tháng 9/2021, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cảnh báo sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch tiền điện tử, đồng thời cấm các sàn giao dịch ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cấm tất cả các hoạt động liên quan đến khai thác và kinh doanh tiền điện tử. Điều này có nghĩa là bất kỳ người nào hoặc thậm chí cơ quan nào bị phát hiện kinh doanh tiền điện tử đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và ngồi tù.

Nói một cách đơn giản, tiền điện tử và tất cả các hoạt động liên quan về cơ bản được coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Một bài báo được tờ Economic Daily của nhà nước Trung Quốc xuất bản hôm 22/6 nói các nhà đầu tư nên đề phòng nguy cơ giá Bitcoin “về 0”, đặc biệt giữa lúc ngành công nghiệp tiền điện tử toàn cầu phải đối mặt với khủng hoảng mới và giá Bitcoin liên tục suy giảm.

Exit mobile version