Tiết lộ về người đang hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam

Tiết lộ về người đang hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam

Sau khi điều chỉnh lương hưu từ 1/7, người đàn ông được hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam sẽ tăng thêm gần 16 triệu đồng, lên 140 triệu đồng/tháng.

Người hưởng lương hưu cao nhất VN ở mức 140 triệu/tháng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ông P.P.N.T. (ở TPHCM) hiện đang là người có mức lương hưu cao nhất cả nước. Mức lương hưu của ông T. tính đến tháng 6 là 124.714.600 đồng/tháng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7, đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP sẽ tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6.

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ tháng 7 = Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp tháng 6/2023 x 1,125.

Như vậy, dự kiến mức hưởng lương hưu của ông T. từ tháng 7 là hơn 140 triệu đồng/tháng, tăng dự kiến so với trước thời điểm điều chỉnh là hơn 15.500.000 đồng.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước khi nghỉ hưu, ông T. là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của một công ty.

Ông T. nghỉ hưu vào tháng 4/2015 với mức lương hưu hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Sau 5 lần Nhà nước điều chỉnh lương hưu, mức lương hưu của ông T.  đến tháng 6/2023 là 124.714.600 đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, để có mức lương hưu như hiện tại, ông T. đã có trên 23 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ở giai đoạn trước năm 2007, khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực tế (số tiền đóng bảo hiểm xã hội không bị giới hạn mức trần), ông T. đã đóng bảo hiểm xã hội ở mức rất cao.

Có những thời điểm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng.

Cho đến khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, quy định mức trần tiền lương tháng đóng bảo hiểm bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hoặc lương cơ sở) thì từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2015, ông T. cũng luôn đóng bảo hiểm ở mức cao nhất theo quy định, bình quân là 15,4 triệu đồng/tháng.

Trước thời điểm nghỉ hưu gần 2 năm (mức lương cơ sở khi đó là 1,15 triệu đồng), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm hằng tháng của ông T. là 23 triệu đồng/tháng.

471 người trên cả nước nhận lương hưu từ 20 triệu trở lên

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa thống kê cho thấy, tại thời điểm tháng 4/2023, có 471 trường hợp trên cả nước có mức hưởng lương lưu từ 20 triệu đồng trở lên. Trong đó, 382 trường hợp có mức hưởng từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng là; 80 trường hợp từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; 9 trường hợp từ 50 triệu đồng trở lên.

Được biết, các trường hợp trên đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực hưởng bằng tiền ngoại tệ hoặc tiền Việt Nam ở mức cao (trước năm 2007) hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (từ năm 2007 trở đi).

Tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 ở mức gần 5,7 triệu đồng/người/tháng. Cùng thời điểm trên, có trên 3,36 triệu người trên cả nước được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội mỗi tháng, chiếm hơn 22% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, 1 triệu người được nhận chế độ do ngân sách đảm bảo, hơn 2,36 triệu người do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Exit mobile version