TIG chào bán 30 triệu cổ phiếu – PLX dự báo lợi nhuận tăng 50%

TIG chào bán 30 triệu cổ phiếu - PLX dự báo lợi nhuận tăng 50%

TIG chốt quyền chào bán 30 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp

Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) thông báo 18/3 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua 30 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện khoảng 23%. Sau phát hành, vốn điều lệ có thể tăng lên 1.600 tỷ đồng.

Với giá bán 10.000 đồng/cp, công ty có thể thu về 300 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Vườn Vua và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian đăng ký mua từ 24/3 đến 14/4; thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 24/3 đến 8/4. 

Tháng 9 năm ngoái, công ty đã phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Giá bán 10.500 đồng/cp, đơn vị thu về 315 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Biệt thự khu Wyndham và thi công san nền khu phân lô bán đất nền của dự án Vườn Vua (Phú Thọ).

Dự án Vườn Vua có tổng vốn đầu tư hơn 2.881 tỷ đồng, trong đó hơn 1.005 tỷ đồng đã được giải ngân cho dự án từ năm 2011 đến tháng 4/2021. Đầu tư Thăng Long dự kiến dự kiến đầu tư lần lượt 767 tỷ đồng và gần 180 tỷ đồng trong năm hai năm sau đó.

Năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 92% lên 905,7 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đem lại 465,6 tỷ đồng, gấp 2,5 lần và chiếm 51,4% tổng doanh thu. Còn lại là nguồn thu từ cung cấp dịch vụ thương mại với 440 tỷ đồng, tăng 52%. 

Doanh thu tài chính gấp 3 lần lên hơn 182 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, cho vay tăng từ 6 lên hơn 96 tỷ; lãi chuyển nhượng cổ phần từ 52 tỷ lên hơn 85 tỷ đồng. Chi phí hoa hồng môi giới, chi phí mua ngoài… đều cao hơn cùng kỳ khiến các chi phí hoạt động gia tăng. Dẫu vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 145% lên hơn 214 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. 

Tại ngày 31/12/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái đạt 232,4 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 7 tỷ đồng cùng với 15 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Đóng cửa phiên 4/3, cổ phiếu TIG đứng tại mức 25.700 đồng/cp, giảm 14% từ vùng đỉnh lịch sử thiết lập cuối năm ngoái, song vẫn gấp 3 lần trong một năm. 

VNDirect: Lợi nhuận ròng của PLX ước tính tăng gần 50% trong năm nay

Trong một báo cáo phân tích về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Chứng khoán VNDirect nhận thấy việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất có tác động trái chiều đến hoạt động của PLX. 

VND cho biết Petrolimex có khả năng tăng sản lượng tiêu thụ khi những doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn để tìm kiếm nguồn hàng thay thế. Mặt khác, vấn đề này có thể tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp của công ty do Petrolimex phải tăng nguồn nhập khẩu với chi phí vận chuyển cao hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng Nghi Sơn sẽ sớm nâng công suất trở lại sau khi nhận trược sự hỗ trợ tài chính từ PVN. Sau khi bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh trong nửa cuối 2021, VNDirect dự phóng sản lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa của Petrolimex sẽ phục hồi trong năm 2022-2023 với mức tăng trưởng kép là 7% khi Việt Nam áp dụng chiến lược mới để “thích ứng an toàn với đại dịch” và mở cửa lại nền kinh tế.

Ngoài ra, dự báo sản lượng tiêu thụ xăng JetA1 sẽ tăng lần lượt 70% năm 2022 và 25% năm 2023 nhờ hoạt động hàng không trong nước bước vào giai đoạn “bình thường mới” và chính phủ dự kiến sẽ mở lại các đường bay quốc tế trong năm 2022. 

Theo đó, cùng với việc giá nhiên liệu dự kiến duy trì ở mức cao, dự phóng mảng xăng dầu của Petrolimex sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022-2023 với tốc độ tăng trưởng kép đạt 9,5%, đóng góp khoảng 91% tổng doanh thu của Petrolimex trong cùng kỳ. 

Doanh thu thuần của Petrolimex được dự báo có thể đạt 193.836 tỷ năm 2022 (tăng 14,6%) và đạt 201.495 năm 2023. VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của Petrolimex sẽ tăng trưởng 47,8% năm 2022 (4.183 tỷ) và tăng 13,6% trong năm 2023 (4.753 tỷ), chủ yếu nhờ vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu phục hồi.

Exit mobile version