Tìm hiểu về hợp đồng giả cách từ vụ Tân Hiệp Phát

Tìm hiểu về hợp đồng giả cách từ vụ Tân Hiệp Phát

Hợp đồng giả cách là “thủ đoạn” con gái ông chủ Tân Hiệp Phát – bà Trần Uyên Phương sử dụng để trốn thuế. Vậy hợp đồng giả cách là gì?

Hợp đồng giả cách là gì?

Hiện, trong quy định của pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng giả cách có thể hiểu là các bên tham gia hợp đồng đồng ý xác lập một giao dịch giả tạo. Hành vi này nhằm che giấu đi một hợp đồng khác, mục đích trục lợi, chiếm đoạt tài sản nếu có sự vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng.

Hợp đồng giả cách là một giao dịch dân sự nhưng không có thật. Tham gia vào hợp đồng giả cách thường là những tài sản có giá trị lớn, chủ yếu là bất động sản.

Hiện nay có một trường hợp rất phổ biến có dấu hiệu của hợp đồng giả cách đó là vay nóng với lãi suất cao nhưng trên hợp đồng lại không thể hiện mức lãi suất. Nạn nhân “sập bẫy” trong hợp đồng này thường là người đang trong tình trạng cần tiền gấp…

Họ cũng có thể là những người muốn cầm cố tài sản để đầu tư kinh doanh qua các hợp đồng mua, bán chuyển nhượng; giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị thấp hơn so với giá trị thực tế khi giao dịch mua bán, mục đích của việc làm này là nhằm trốn thuế.

Có thể hiểu đơn giản về hợp đồng giả cách thông qua ví dụ sau: Chị A vay của chị B 200 triệu đồng. Hợp đồng vay ghi mức lãi suất là do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Nhưng trên thực tế, chị B cho chị A vay nặng lãi với mức lãi suất lên đến trên 150%. Có thể thấy, hợp đồng cho vay tài sản ban đầu gọi là hợp đồng giả cách. Nó nhằm che giấu một hợp đồng khác phía sau.

Một hình thức khác của hợp đồng giả cách chính là, lập hợp đồng giả cách sang nhượng tài sản tuy nhiên mục đích đằng sau lại là vay vốn. Theo đó, họ thực hiện hình thức này bằng cách ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Thế nhưng, nếu người đi vay không trả được nợ, người cho vay bằng sẽ có cách để biến tài sản đó thành của mình.

Trong hợp đồng giả cách còn có trường hợp, người mua và người bán thỏa thuận khai giá ảo trong các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Động thái này nhằm giảm thuế phải nộp cho Nhà nước. Cũng có trường hợp cầm cố tài sản nhằm mục đích đầu tư kinh doanh…

Bởi hợp đồng giả cách có nhiều hệ lụy, biến tướng nên Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

Việc xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó sẽ bị vô hiệu.

Người dân cũng cần nhận diện rõ những dấu hiệu của hợp đồng giả cách, đồng thời tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật tư vấn trước khi đặt bút ký vào các bản hợp đồng. Điều này sẽ giúp tránh khỏi việc bị gài bẫy khi vay nợ nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hợp đồng giả cách trong vụ việc của Tân Hiệp Phát

Trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can đối với nhà sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát – ông Trần Quí Thanh và 2 ái nữ là các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn – bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã xác minh, điều tra hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế đối với bà Trần Uyên Phương.

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, bà Trần Uyên Phương cùng với một số cá nhân dùng tài liệu là các “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được công chứng ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất. Hợp đồng trên chính là hợp đồng giả cách nhằm mục đích trốn thuế.

Cụ thể, cơ quan thuế đã xác định sai số tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dựng đất giữa bên nhận chuyển nhượng là bà Trần Uyên Phương và bên chuyển nhượng là các cá nhân – chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất, thuộc các thửa đất tại phường Hiệp Bình Chánh – TP HCM phải nộp. Hành vi này gây thất thu khoảng hơn 5,48 tỉ đồng tiền thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử lý đối với hành vi trốn thuế là bị phạt từ một lần đến ba lần số thuế trốn.

Cha con ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích.

Tuy nhiên, trong trường hợp số thuế trốn trên 100 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế, theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với tội này, hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Thế nhưng, vụ việc liên quan đến Tân Hiệp Phát dường như phức tạp hơn. Các đối tượng đã tạo lập các hợp đồng giả cách dưới dạng “Đặt cọc”, “Cam kết bán lại” khi mua – bán cổ phần nhằm che giấu hành vi cho vay nặng lãi, mức lãi suất là 3%/ tháng, tương đương 36%/năm.

Cũng bằng những hợp đồng giả cách dưới dạng đặt cọc và cam kết bán lại để cho vay, Tân Hiệp Phát đã thực hiện hành vi chiếm đoạt một số dự án mà đối tác cầm cố khi từ chối “quyền mua lại”, từ chối thực hiện “cam kết bán lại” trong hợp đồng giả cách được 2 bên tạo lập. Số tài sản thực tế chiếm đoạt của dự án vào khoảng 3000 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sau khi nhận đơn của một số công dân trên địa bàn TP HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP HCM từ tháng 11.2020 đã tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung.

Đến nay, phía cơ quan chức năng đã có đủ căn cứ để xác định, hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Những người bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất khai giá trị giao dịch thấp hơn giá bán để trốn thuế hay dùng hợp đồng giả cách nhằm cho vay lãi để chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản cần phải cân nhắc về hành vi của mình nếu như không muốn có kết cục giống như cha con ông chủ Tân Hiệp Phát.

Diễn biến vụ việc xảy ra tại Tân Hiệp Phát

Ông David Riddle hiện đã đảm nhận vai trò Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của Tân Hiệp Phát. Theo tìm hiểu, không chỉ có nhiều kinh nghiệm quản lý ở các tập đoàn lớn trên thế giới, ông David Riddle đã tham gia hoạt động của Công ty hơn 13 năm qua ở vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ở diễn biến liên quan, Công ty Tân Hiệp Phát vào ngày 11/4 đã phát đi thông tin chính thức về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 10/4/2023 đã bắt tạm giam ông Trần Quí Thanh, người sáng lập Công ty cùng với con gái là Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty.

Công ty Tân Hiệp Phát nói: “Ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương là những người sáng lập, điều hành Công ty Tân Hiệp Phát nhiều năm qua, sự việc trên chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, với hệ thống quản lý và đội ngũ được xây dựng nhiều năm qua, với trách nhiệm của mình, Công ty Tân Hiệp Phát sẽ nỗ lực hết sức để giảm tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ sự việc này với hoạt động của Công ty và các đối tác có liên quan”.

Tân Hiệp Phát cho biết, giao dịch của các cá nhân trong sự việc trên không liên quan đến hoạt động của Công ty Tân Hiệp Phát. Doanh nghiệp luôn tin tưởng vào sự công minh của các cơ quan pháp luật khi giải quyết sự việc, tin tưởng vào sự khách quan của các phương tiện thông tin đại chúng, quý khách hàng, đối tác khi đánh giá về sự việc.

Exit mobile version