Tín dụng tăng trưởng 7,42% trong 8 tháng đầu năm 2021

Tín dụng ngân hàng quý III/2021 tăng trưởng chậm

Vi.Money - Tín dụng tăng trưởng 7,42% trong 8 tháng đầu năm 2021

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng Việt Nam tính đến cuối tháng 8 năm 2021 tăng 7,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực khơi thông dòng vốn tín dụng thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn.

Thống kê cho thấy đối với vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp và kinh tế trên cả nước có 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ đô la Mỹ, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%.

Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020. Trong đó, nổi bật hơn cả là tín dụng đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ghi nhận là có sự tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung. 

Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi xuất liên tiếp với tổng mức giảm từ 1,5 – 2%/năm đối với lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,6 – 1%/năm ; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các ngành nghề thuộc các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm).

Vụ Tín dụng cho biết, các quý cuối năm 2021 và quý đầu 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm để có thể tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.

Các ngân hàng đồng loạt vào cuộc

Ngoài ra, theo Nghị quyết 63/NQ-CP của chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn. Đợt giảm lãi suất này sẽ tập trung vào các cá nhân, doanh nghiệp bị tác động nặng nề từ đại dịch.

Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tiếp tục giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp;… là những giải pháp mà các ngân hàng thương mại đang thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 15/7/2021 đến hết năm 2021, đã có 16 ngân hàng đồng ý giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó TGĐ Ngân hàng Đầu Tư và Phát triển (BIDV) cho biết ngân hàng này sẽ giảm thêm 1% lãi suất cho các khách hàng trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch như hàng không, du lịch, khách sạn, lưu trú, ăn uống vui chơi giải trí và giáo dục. Theo đó, lãi suất cho vay với những khách hàng này sẽ giảm khoảng 2% so với thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh. Cũng theo ông Hải, ngân hàng BIDV đã giải ngân được khoảng 20.000 tỷ đồng đối với các khoản vay ưu đãi theo gói tín dụng này.

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng trong thời gian giãn cách tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính tới ngày ngày 31/08/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 1,13 triệu khách hàng với dư nợ ước tính trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng tính từ 15/7/2021 đến hết năm 2021.

Exit mobile version