Kết quả tích cực của dịp 12/12 năm nay một lần nữa cho thấy sự phục hồi nền kinh tế sau dịch, đồng thời thể hiện mức độ mua sắm của khách hàng đã trở lại và mạnh mẽ hơn
Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, cho biết: “Những kết quả đáng khích lệ của Lễ hội mua sắm cuối năm đã cho thấy tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau một năm nhiều thử thách”.
Đại dịch bùng phát và diễn biến phức tạp gây áp lực lên nền kinh tế nói chung, kéo theo sức tiêu thụ dự kiến sụt giảm mạnh do thu nhập người dân giảm. Dù vậy, vẫn có điểm sáng đến từ sự dịch chuyển xu hướng mua sắm, đặc biệt khi nhu cầu về hàng hoá thiết yếu là cần thiết, các sàn TMĐT đang cho thấy sự bùng nổ doanh số mạnh mẽ.
Đại dịch đã và đang thúc đẩy thói quen tiêu dùng trực tuyến phát triển, điều này mở ra cơ hội lớn cho các sàn TMĐT. Ghi nhận, số lượng đơn hàng, tổng doanh thu cũng như số lượng doanh nghiệp đưa sản phẩm lên kênh trực tuyến đột biến từ đầu năm. Đặc biệt, thời gian gần đây tiếp đà bứt phá khi sức mua của người tiêu dùng với các mặt hàng trang trí, chăm sóc nhà cửa chuẩn bị đón Tết tăng mạnh.
Tín hiệu phục hồi của nền kinh tế
Ghi nhận số liệu từ sàn Lazada, Lễ hội mua sắm 12.12 trên Lazada diễn ra trong 3 ngày từ 12/12 đến 14/12 đã đem về doanh thu cũng như số lượng đơn hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái .
Số lượng các thương hiệu cũng như các nhà bán hàng tham gia trên sàn tăng gấp 2,5 lần. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe lên ngôi khi tỷ lệ tăng trưởng của ngành hàng sức khỏe và làm đẹp đứng ở vị trí dẫn đầu với doanh thu của các sản phẩm bổ trợ sức khỏe tăng gần gấp 4 lần.
Đặc biệt sức mua của người tiêu dùng dành cho các mặt hàng trang trí, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết tăng mạnh. Theo Lazada, điều này thể hiện nhu cầu mua sắm đang tăng mạnh và người tiêu dùng lạc quan trong giai đoạn bình thường mới.
“Những kết quả đáng khích lệ của Lễ hội mua sắm cuối năm đã cho thấy tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau một năm nhiều thử thách. Trong năm 2022, Lazada hướng đến mang lại trải nghiệm mua sắm tuyệt vời, nhiều niềm vui hơn nữa đến người tiêu dùng; cũng như tiếp tục là một đối tác TMĐT chiến lược trong hoạt động kinh doanh của các đối tác, thương hiệu và nhà bán hàng trên nền tảng”, Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, cho biết.
Ngành hàng nhà cửa & đời sống ghi nhận mức tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với các sản phẩm bán chạy nhất là nệm ngủ, ga giường và dụng cụ lau dọn nhà cửa.
Ngành hàng điện tử cũng được mua sắm nhiều trên Lazada với doanh thu tăng gần gấp đôi, trong đó các sản phẩm laptop và máy tính tăng gần gấp 3 lần doanh thu. Với mức giảm giá đặc biệt, những sản phẩm có giá trị cao như laptop, điện thoại, đồ nội thất… được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua.
Đáng chú ý, các sản phẩm chính hãng trên Lazada tiếp tục được lựa chọn nhờ vào chất lượng cũng như chính sách đổi trả 15 ngày. Doanh thu trên LazMall – hệ thống gian hàng chính hãng – tương ứng ghi nhận mức tăng gần gấp đôi.
Ngoài ra, doanh thu của ngành hàng điện tử gia dụng cũng tăng cao gấp 5 lần so với ngày thường. Trong đó, tủ lạnh, nồi chiên không dầu và tivi là các sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Cùng ghi nhận mức tăng trưởng cao gấp 5 lần ngày thường là ngành hàng Bách Hóa. Trong ngành hàng này, sữa và nước giặt – nước xả vải là hai nhóm được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất.
Trong giai đoạn bình thường mới, người tiêu dùng không giảm thiểu chi tiêu mà hướng đến việc tiêu dùng thông minh bằng cách tận dụng tối đa các ưu đãi lớn đến từ sàn TMĐT trong các dịp Lễ hội mua sắm, trong đó nổi bật là Voucher Tích Lũy với tổng giá trị được tích lũy xuyên suốt Lễ hội mua sắm lên đến gần 970 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu toàn sàn trong mùa mua sắm cuối năm của Tiki cũng ghi nhận tăng 12 lần, với số đơn hàng tăng 3 lần cùng kỳ năm 2020. Đại diện hãng cho biết, kết quả của dịp 12/12 một lần nữa cho thấy sự phục hồi kinh tế sau dịch, đồng thời thể hiện mức độ mua sắm của khách hàng đã trở lại và mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, đây cũng thể hiện rõ rệt xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng thông thường sang nhóm sản phẩm thiết yếu, sức khỏe, ưu tiên hơn cho những mặt hàng thuộc danh mục nhu yếu phẩm trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của gia đình, đặc biệt là ở ngành hàng mẹ & bé, FMCG do nhu cầu chuẩn bị cho mùa mua sắm và mùa lễ hội cuối năm.
Nguồn: Doanh nghiệp và Tiếp thị – ViMoney tổng hợp