Tình hình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

vimoney: Tình hình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu…

Những con số về tình hình xử lý nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vào sáng 24/5 đã báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính vào năm 2007 đã khiến cho kinh tế vĩ mô bất ổn. Cuối năm 2011, các tổ chức tín dụng hoạt động khó khăn, thanh khoản căng thẳng, nợ xấu lớn, nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể gây đổ vỡ hệ thống.

Đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Thời điểm đó, chưa đồng bộ được cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu.

Đến cuối năm 2021, tổng số 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Trong đó, 148 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,93%) do khách hàng tự trả nợ. So với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017, con số này cao hơn.

Kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC chiếm 20,3%, đạt 77.200 tỷ đồng.

Giai đoạn từ năm 2012 – 2017, trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, trung bình nợ xấu được xử lý đạt 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng. Sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, con số đã đạt mức khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng.

Nợ xấu trong thời gian tới

Theo nhận định của bà Hồng, trong thời gian tới, nợ xấu có xu hướng tăng khi mà giai đoạn 2021-2025, kinh tế thế giới được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga – Ukraine, đại dịch Covid 19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước còn khó khăn, không trả được nợ ngân hàng.

Bà Hồng thông tin, tính đến 31/12/2021, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng. Do ảnh hưởng của Covid-19, việc xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ cũng giảm.

Đến hết ngày 15/8, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng khiến cho việc xử lý nợ xấu sẽ kéo dài… Đề xuất của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Exit mobile version