TNG doanh thu tháng 2 tăng gần 30% – MBB được dự báo lợi nhuận 2022 gần 1 tỷ USD

TNG doanh thu tháng 2 tăng gần 30% - MBB được dự báo lợi nhuận 2022 gần 1 tỷ USD

Doanh thu Dệt may TNG tháng 2 tăng trưởng 27%

Đầu tư Thương mại TNG (HNX: TNG) thông báo doanh thu tháng 2 đạt 334 tỷ đồng, giảm 35% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu đạt xấp xỉ 852 tỷ đồng, gấp lần lượt 1,46 lần và 1,66 lần thực hiện năm 2021 và 2020.

Trước đó trong tháng đầu năm, Dệt may TNG đã có kết quả kinh doanh khởi sắc với mức doanh thu cao nhất trong 5 năm gần đây, đạt 514 tỷ đồng, tương đương mức tăng 62% so với cùng kỳ. Theo BCTC tháng 1, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 21 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong năm qua, công ty dệt may đạt kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động. Cụ thể, đơn vị ghi nhận gần 5.444 tỷ đồng doanh thu và 233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng 22% và 52% so với thực hiện năm 2020. Doanh nghiệp thực hiện 113% kế hoạch doanh thu và 133% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, doanh nghiệp xác định rõ dòng hàng mục tiêu là các sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.

Đồng thời, đơn vị áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất lao động bằng việc sử dụng máy móc tự động, ứng dụng công nghệ 4.0 kiểm soát tình hình sản xuất của các nhà máy… 

MBB: VCBS dự báo lợi nhuận MB đạt hơn 21.400 tỷ đồng trong năm 2022

Các chuyên gia của VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 của MB tăng 30% so với cùng kỳ, đạt 21.479 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược cho các công ty thành viên.

Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính MB sẽ đạt 21.479 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, MB sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đảm bảo giảm tỷ lệ nợ tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 0,9% và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 323%.

Nhóm chuyên gia cho rằng chất lượng tài sản của MB tốt hơn trung bình ngành và áp lực trích lập thấp nhờ tích cực trích lập xử lý tài sản sớm cho các khoản nợ tái cơ cấu.

Song, trong trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2022, lợi nhuận của MB sẽ chịu tác động tiêu cực khi các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và các hoạt động dịch vụ. Đồng thời nợ xấu gia tăng khiến chi phí dự phòng tăng nhanh.

Tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2022 dự kiến đạt 22,2%. Lợi suất sinh lời của tài sản sinh lãi đạt 7,56%. Chi phí vốn giảm xuống 2,55%. Tỷ lệ CIR dự báo tiếp tục giảm xuống 30% trong năm 2022 và dưới 29% các năm tiếp theo.

Năm 2021, MB đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hạ tầng công nghệ và dự kiến đầu tư thêm 1.800 tỷ đồng trong năm 2022. Hoạt động chuyển đổi số giúp ngân hàng giảm quy mô nhân sự và nâng năng suất lao động với tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/nhân viên đạt trên 1 tỷ đồng trong 2021 (tăng 44,3% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, trong các năm tới, MB đặt ra mục tiêu yêu cầu các công ty con tăng trưởng doanh thu tối thiểu gấp 1,5 – 2 lần ngành. 

Để hỗ trợ mở rộng quy mô, thị phần và nâng cao hiệu quả hoạt động, MB đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược cho các công ty thành viên. Đầu tháng 12/2021, MB chính thức lựa chọn Ngân hàng Shinsei làm đối tác cho ngân hàng con tại Campuchia, 3 công ty con khác là MIC, MBS và MB Capital hiện đang trong giai đoạn đàm phán và thẩm định với một số bên quan tâm.

Trong 2021 các công ty con của MB tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu của 6 công ty thành viên ước đạt 18.221 tỷ đồng (tăng 48,8% so với cùng kỳ) dù hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn phong tỏa.

Exit mobile version