TNG doanh thu tiêu thụ tăng 22% – CTG nâng lợi nhuận 10-20% trong 2022 – Louis Holdings trở thành công ty mẹ của AGM
TNG: Doanh thu tiêu thụ năm 2021 tăng 22%
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX – TNG) vừa công bố doanh thu tiêu thụ năm 2021 đạt 5,445 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2020.
So với kế hoạch đề ra trong năm 2021, TNG đã vượt 13% mục tiêu doanh thu tiêu thụ.
Riêng tháng 12, doanh thu tiêu thụ toàn Công ty đạt 468 tỷ đồng, tăng 72% so với năm trước.
Trong một diễn biến khác, TNG sắp trả cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền mặt cho cổ đông theo tỷ lệ 4% (400 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 13/01/2022 và ngày thanh toán là 24/01/2022.
Với gần 93 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến TNG sẽ chi hơn 37 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Trên thị trường, cổ phiếu TNG chốt phiên 06/01/2022 tại mốc 34,200 đồng/cp, tăng 18% qua 1 tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch bình quân hơn 2 triệu cp/phiên.
***Có bao nhiêu cổ phiếu tăng giá trong suốt 3 năm qua?***
VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10-20% trong năm 2022
Năm 2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HOSE: CTG) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10-20% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt 10-14%.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, tổng kết hoạt động kinh doanh (HĐKD) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, lãnh đạo VietinBank (HOSE: CTG) cho biết, tính đến 31/12/2021, dư nợ bình quân tăng 12.3% so với năm 2020. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020. Thu ngoài lãi tăng trên 20%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng hơn 20% so với cùng kỳ, tỷ trọng CASA/tổng nguồn vốn năm 2021 đạt 20%.
Năm qua, VietinBank giảm hơn 7,000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1.3%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 171%, cao hơn so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế từ 10% đến 20%. Tổng tài sản lên kế hoạch tăng 5-10%. Tín dụng tăng 10-14%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Nguồn vốn huy động tăng trưởng 10-12%.
Louis Holdings trở thành công ty mẹ của AGM
Louis Holdings vừa mua vào 5.1 triệu cp của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang trở thành cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu 51.17%.
Trước giao dịch, CTCP Louis Holdings đang nắm 4.2 triệu cp tương đương 23% vốn tại Xuất Nhập khẩu An Giang . Đây chính là lượng cổ phiếu do SCIC đem đấu giá. Như vậy, SCIC đã thoái toàn bộ vốn còn Louis Hodlings trở thành cổ đông lớn duy nhất, đồng thời cũng là Công ty mẹ của AGM. Về mối quan hệ, ông Đỗ Thành Nhân là đồng Chủ tịch HĐQT tại 2 đơn vị trên.
Thời gian giao dịch từ ngày 24/12/2021 đến 04/01/2022. Nếu chiếu theo giá trung bình giai đoạn này, ước tính thương vụ có giá trị trên 180 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, AGM ước thực hiện 3,903.6 tỷ đồng doanh thu và 47.36 tỷ đồng lãi trước thuế trong 2021. Sang năm 2022, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 8,004 tỷ đồng và lãi trước thuế 70 tỷ đồng, lần lượt gấp 2 và 1.5 lần so với kết quả ước năm 2021.