Meta – công ty chủ quản của một loạt ứng dụng như mạng xã hội Facebook, Instagram, WhatsApp đã bị tòa án Nga cấm hoạt động tại nước này.
Tòa án Nga cấm Meta hoạt động
Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, một tòa án Nga ngày 21/3 đã ra quyết định cấm Meta hoạt động tại Nga. Đây là công ty chủ quản của một loạt ứng dụng như Facebook, Instagram, WhatsApp. Meta – công ty công nghệ Mỹ bị Nga liệt vào danh sách tổ chức “cực đoan”.
Ngày 21/3, FSB – Cơ quan an ninh quốc gia Nga yêu cầu tòa án quận Tverskoi ở thủ đô Moskva ban hành lệnh cấm hoạt động ngay lập tức đối với Meta. Cơ quan này cáo buộc Meta này có những hoạt động chống lại lợi ích của Nga trong khoảng thời gian Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Sau đó thì quyết định này được đưa ra.
Các hãng thông tấn Nga đưa tin, ông Igor Kovalevsky – đại diện của FSB đã khiếu nại lên tòa án quận Tverskoi về việc, Meta đã có các hoạt động nhắm trực tiếp vào Nga cũng như các lực lượng vũ trang của nước này.
Động thái này chứng tỏ Nga đang nỗ lực trong việc giám sát các hoạt động truyền thông. Nhất là khi xuất hiện nhiều luồng thông tin khác nhau nói về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Cụ thể, ngày 10/3, Meta thông báo về việc cho phép người dùng tại Ukraine đăng tải những lời kêu gọi chống lại Tổng thống Nga cũng như quân đội nước này trên Facebook hoặc Instagram.
Một cuộc tranh luận công khai đã diễn ra. Sau đó, đại diện của Meta tuyên bố khẳng định Meta đã thay đổi chính sách và cho rằng, không thể chấp nhận mọi lời kêu gọi bạo lực đối với công dân Nga.
Từ đầu tháng 3, thực tế người dùng tại Nga không thể truy cập vào Twitter hay Facebook. Còn cách đó 1 tuần, Instagram đã bị chặn ở quốc gia này.
Hiện nay, Meta chưa có bình luận trước phán quyết mới nhất của nước Nga. Nhưng trước đó, luật sư của Meta – Victoria Shagina đã khẳng định rằng, công ty không thực hiện hoạt động cực đoan và phản đối hành vi chống Nga.
Facebook, Google dính cáo buộc của EU
Mới đây, Facebook cũng đối mặt với cáo buộc của cơ quan chống độc quyền Liên minh châu Âu (EU). Theo Ủy ban châu Âu (EC), cuộc điều tra sẽ tập trung vào thỏa thuận năm 2018 giữa Facebook và Google mang tên Jedi Blue.
Theo EC, có thể thỏa thuận này đang cản trở cũng như hạn chế khả năng cạnh tranh của các đối thủ quảng cáo công nghệ khác. Người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng. Các tài liệu tòa án Mỹ có trong tay cho thấy các lãnh đạo hàng đầu của Facebook và Google đều trực tiếp tham gia phê duyệt thỏa thuận trên.
Facebook và Google, ngày 11/3 đã lên tiếng bảo vệ hợp đồng quảng cáo trực tuyến giữa hai bên.
Google trong một tuyên bố đã bác bỏ các cáo buộc nhằm vào thỏa thuận Jedi Blue. Theo nhấn mạnh của Google thì đây là thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, khi mà Mạng quảng cáo dành cho thiết bị di động của Facebook (Facebook Audience Network – FAN) được phép tham gia vào chương trình Đặt giá thầu mở (Open Bidding) của Google với hàng chục công ty khác. Quan điểm tương tụ cũng được Facebook khẳng định.