Hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV sẽ được niêm yết trên HoSE. Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) là một trong những doanh nghiệp cung cấp điện năng hàng đầu cả nước. Năm 2022, tổng công ty được dự báo có thể hưởng lợi với nhà máy nhà máy điện than phía Bắc và huy động cao Thủy điện Buôn Kuốp.
Tổng Công ty Phát điện 3 – EVNGENCO3 (PGV – UPcom) được chấp thuận niêm yết trên HoSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo chấp thuận niêm yết hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3). Trước đó ngày 4/11, HoSE đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của công ty.
Cổ phiếu PGV hiện đang giao dịch trên UPCoM với mức giá 38.100 đồng/cp trong phiên 31/12, gấp hơn 2,2 lần so với thời điểm đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 42.800 tỷ đồng và đứng thứ 40 toàn thị trường về quy mô vốn hóa.
Với gần 10 năm kinh nghiệm hoạt động, EVNGENCO3 được biến đến là một trong những doanh nghiệp cung cấp điện năng hàng đầu đất nước với đa dạng các loại hình từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than đến thủy điện và điện mặt trời.
Thị trường phát điện của tổng công ty phân bổ khắp cả nước qua các công ty thành viên như Nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu, công suất 2.540 MW), Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận, công suất 1.244 MW), Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh, công suất 1.080 MW), Thủy điện Buôn Kuốp (Đăk Lăk, công suất 586 MW)…
Tại thời điểm hiện nay, tổng công suất lắp đặt của EVNGENCO3 đạt xấp xỉ 6.559 MW, tương đương khoảng 10% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia Việt Nam và đứng thứ hai cả nước về quy mô phát điện, chỉ sau Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN).
Sản lượng điện sản suất trong 9 tháng đầu năm giảm 11% so với cùng kỳ về 22,56 tỷ kWH do nhu cầu phụ tải hệ thống điện thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tổng công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh vượt kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng gấp đôi cùng kỳ lên gần 2.550 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả đạt được của EVNGENCO3 cũng cao hơn nhiều đơn vị cùng ngành như EVNGENCO2 (1.455 tỷ đồng) hay PV Power (2.033 tỷ đồng).
***Hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán năm 2021***
Về hiệu quả hoạt động, hệ số phản ánh khả năng sinh lời được cải thiện qua các năm: Lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) tăng từ 9,48% (năm 2019) lên 13,03% (năm 2020).
Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ gần 4,8 lần đầu năm ngoái về gần 3,2 lần tại cuối quý III nhờ cắt giảm đáng kể gần 10.000 tỷ đồng nợ vay. So với đầu năm nay, tổng công ty cũng giảm vay nợ tài chính ngắn hạn từ 4.942 tỷ về 3.172 tỷ đồng; nợ dài hạn cũng thấp hơn 4.000 tỷ đồng xuống mức 41.890 tỷ đồng. Dư nợ vay giảm dần và lãi suất năm nay giảm giúp chi phí lãi vay các kỳ kinh doanh gần đây giảm xuống.
Nói về kế hoạch đầu tư xây dựng mới, EVNGENCO3 sẽ tiếp tục xúc tiến phát triển các dự án điện gió tiềm năng để triển khai khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Trong đó, dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là dự án quan trọng giúp củng cố vị thế của EVNGENCO3 trong giai đoạn tới. Dự án có tổng công suất 3.600 MW – 4.500 MW, diện tích khoảng 200 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD.
Đây cũng là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện năng cho TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (khoảng 21 tỷ kWH/năm).
Nhìn sang năm 2022, triển vọng ngành điện được đánh giá tích cực. SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ điện năm sau sẽ tăng trưởng 9% so với cùng kỳ dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP 6,5% nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao và nền kinh tế dần mở cửa trở lại.
Đơn vị cũng đánh giá sản lượng điện than tăng trưởng tốt do nhu cầu hồi phục. Do đó, EVNGENCO3 có thể hưởng lợi nhờ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc. Ngoài ra, Thủy điện Buôn Kuốp của tổng công ty cũng được kỳ vọng huy động cao vào năm sau khi tình hình thủy văn thuận lợi.