Triển vọng đầu tư cổ phiếu dầu khí trong năm 2022 – Lựa chọn PVS, GAS hay PLX?

Cổ phiếu dầu khí vẫn là cơ hội đầu tư tiềm năng trong 2022 do nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi trở lại trong năm 2021 khi hoạt động kinh tế thế giới bắt đầu trở lại sau đại dịch, đồng thời giá dầu tiếp tục tăng mạnh do những căng thẳng địa chính trị trong năm 2022. Trong bộ 3 chiến lược PVS, GAS và PLX, bạn nên chọn cổ phiếu nào?

Đọc thêm: Tại sao nên mua cổ phiếu dầu khí?

1. Triển vọng ngành dầu khí

Nhu cầu tăng cao đẩy giá dầu lên mức cao nhất 14 năm

Trong tháng 3/2022, giá dầu Brent có lúc đã vượt130 USD/thùng, đem lại ảnh hưởng tích cực với các doanh nghiệp trong ngành dầu khí trước đó chịu thiệt thòi từ đợt giá dầu giảm sâu vào giai đoạn mới bùng phát dịch bệnh năm 2020.

Theo báo cáo của EIA (Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ), giá dầu Brent trung bình dự đoán sẽ đạt 116 USD/thùng trong quý 2/2022 và 102 USD/thùng vào nửa cuối năm 2022 trước khi giảm xuống còn 89 USD/thùng vào năm 2023. Mức độ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga hoặc việc bán dầu của Nga trên thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới dự báo khi có thay đổi.

Bên cạnh đó, các quyết định của OPEC và các tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đối với cung cầu toàn cầu.

Giá dầu Brent trong giai đoạn 2008-T3/2022. Đvt: USD/thùng

ViMoney: Triển vọng đầu tư cổ phiếu dầu khí trong năm 2022 h1

Nguồn: TradingView

Năng lượng tái tạo không khiến nhu cầu về dầu giảm trong ngắn hạn

Về dài hạn, chiến lược chuyển đổi sang năng lượng xanh của các nước có thể làm giảm nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai. Căng thẳng địa chính trị và xung đột ở Châu Âu làm tăng giá dầu mỏ sẽ càng thúc đẩy các quốc gia nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để giảm mức độ phụ thuộc.

Tuy vậy, nhu cầu trong ngắn hạn vẫn còn rất cao, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch.

Thay đổi trong tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong giai đoạn 2020-2023. Đvt: triệu thùng/ngày

Nguồn: U.S.Energy Information Administration

Theo báo cáo của EIA (trước thời điểm căng thẳng Nga và Ukraine), mức tiêu thụ xăng dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu được dự đoán sẽ đạt trung bình 100.6 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tăng 3.1 triệu thùng/ngày so với năm 2021. Mức tiêu thụ dầu cũng sẽ phụ thuộc vào cách hoạt động kinh tế, du lịch và sự kiện chính trị cũng như tiềm năng trong tương lai.

Sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong giai đoạn 2017-2023. Đvt: triệu thùng/ngày

Nguồn: U.S.Energy Information Administration

Nhu cầu toàn cầu về LNG đang tăng lên

Cùng với việc mở rộng mạnh mẽ công suất phát điện tái tạo, các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang tăng cường năng suất Tua bin khí kết hợp chu kỳ (CCGT)

Thị trường điện gió được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng trưởng ít nhất 150% trong thập kỷ tới và thị trường năng lượng mặt trời tăng ít nhất 200%, tuy vậy, nhu cầu về dầu và khí đốt vẫm không giảm. Nhu cầu khí đốt tự nhiên có khả năng tăng khoảng 4% mỗi năm trong thập kỷ tới để giúp lấp đầy khoảng trống trong mảng nhiệt điện trong bối cảnh nhiều nước hạn chế than do vấn đề môi trường.

Sự thiếu hụt nguồn cung trong thời gian gần đây trên thị trường khí đốt toàn cầu có thể xuất phát từ việc không đầu tư thêm vào các dự án (do giá dầu sụt giảm 2018-2019, sau đó Covi-19 hoành hành trong năm 2020) trong khi nhu cầu hồi phục mạnh trong thời điểm hiện tại.

Dự báo nhu cầu LNG tăng trong tương lai. Đvt: triệu tấn

Nguồn: Bloomberg

Tình hình ngành dầu khí trong nước

Theo báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam, tổng sản lượng khai thác dầu khí quy đổi ước thực hiện cả năm 2021 đạt 18.43 triệu tấn, bằng 94.6% kế hoạch năm (kế hoạch cả năm 19.48 triệu tấn), trong đó:

  • Sản lượng khai thác dầu thô cả năm đạt 10.97 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch năm (9.72 triệu tấn)
  • Sản lượng khai thác khí đạt 7.46 tỷ m3, bằng 76.4% kế hoạch năm (9.76 tỷ m3)

Sản lượng của ngành công nghiệp dầu khí trong giai đoạn năm 2010-2021

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2021 giảm so với năm 2020 do sản xuất trong nước đã đáp ứng một phần đáng kể và nhu cầu xăng dầu năm 2020 và 2021 giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên,sang 2022, tình hình đã thay đổi. Cuối tháng 02/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký quyết định 242 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2/2022 nhằm bổ sung lượng xăng, dầu thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước, dự kiến là 2,400,000 m3. Lượng xăng dầu bổ sung này do 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện, gồm 840,000 m3 xăng và 1,560,000 m3 dầu.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang nhanh chóng nhập khẩu LNG, đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia. Đây là mục tiêu mà PV GAS đang triển khai thực hiện từ năm 2022 để đảm bảo nguồn cung khí trong nước bị thiếu hụt.

Xuất nhập khẩu các sản phẩm của ngành dầu khí trong giai đoạn 2010-2021. Đvt: nghìn tấn

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2021, Tập đoàn dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) đã hoàn thành kế hoạch công tác tìm kiếm thăm dò với kết quả điển hình như: phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng -1X Lô 16-1/15 (VSP), đưa mỏ Sư Tử Trắng pha 2A và các giàn BK-18A, giàn BK-19 vào khai thác.

2. Các cổ phiếu dầu khí tiềm năng

Do đặc thù của ngành, các cổ phiếu tốt trong ngành dầu khí thường có vốn hóa lớn. Các cổ phiếu quan trọng có thể kể đến là Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (HOSE: GAS) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX).

2.1 Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) – “Mỏ vàng” từ mảng FSO/FPSO

PVS là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước. Với triển vọng phát triển sáng sủa trong giai đoạn tới với các dự án dầu khí lớn, người viết kỳ vọng đây sẽ là doanh nghiệp đáng quan tâm trong dài hạn.

Các mảng kinh doanh trọng tâm của doanh nghiệp bao gồm: Dịch vụ cơ khí (M&C), dịch vụ thả nổi FSO/FPSO, dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng các CTDK biển (O&M-Operation & Maintenance), dịch vụ tàu, cảng,… Với dịch vụ M&C hiện đang chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp, tuy nhiên, biên lợi nhuận lại khá thấp.

Thay vào đó, mảng FSO/FPSO lại là điểm sáng nhất trong hoạt động kinh doanh từ năm 2021 khi đây là dịch vụ chiến lược mang tính ổn định, lâu dài do gắn liền với hoạt động khai thác các mỏ dầu. PVS hiện đang sở hữu 6 kho nổi FSO/FPSO phục vụ các hoạt động khai thác của khách hàng tại các mỏ trong và ngoài nước.

Các kho nổi (FSO/FPSO) của PVS

Nguồn: Báo cáo thường niên PVS

Kết quả kinh doanh trong năm 2021 sụt giảm do những ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi cung ứng. Xét riêng trong quý 4/2021, lợi nhuận sau thuế của PVS tăng 37% so với cùng kỳ. Biến động này đóng góp lớn từ lợi nhuận của mảng FSO/FPSO. Lợi nhuận gộp riêng mảng này trong năm 2021 cũng tăng 2 lần so với năm 2020.

Với việc ghi nhận diễn biến hồi phục mạnh mẽ từ mảng FSO/FPSO kể từ năm 2021, người viết nhận định đây sẽ tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho PVS trong năm 2022 khi mà giá dầu tăng mạnh trong thời gian qua có thể đã giúp tăng giá cho thuê kho nổi của PVS.

Tình hình kết quả kinh doanh từ năm 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng

2.2 Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (HOSE: GAS) – Sẵn sàng dẫn đầu trong lĩnh vực LNG

Nhu cầu về LNG toàn cầu cũng như trong nước tăng cao. Thêm vào đó, giá LNG leo thang bất thường và liên tục thiết lập các mốc giá kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp LNG. Nắm bắt được vấn đề nhu cầu tăng nhanh, từ năm 2019, GAS đã thành lập chi nhánh kinh doanh chuyên về kinh doanh và xuất nhập khẩu LNG.

Với dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải do GAS làm chủ đầu tư và dự kiến chạy thử trong quý IV/2022, cùng với các hợp đồng MSPAs (Master Sale & Purchase Agreement) với các nhà cung cấp LNG khác trên thế giới mà GAS đã ký kết trong năm 2021. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa các nhà cung cấp mang đến lợi thế cho GAS có nhiều sự lựa chọn về nguồn cung, với giá cả và chất lượng cạnh tranh tại từng thời điểm của thị trường.

Biến động giá LNG ở Asia trong giai đoạn từ năm 2015-T3/2022. Đvt: USD/mmBtu

Nguồn: TradingView và Fred

Trong tương lai, GAS sẽ phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm), khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ), khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).

Doanh thu của GAS trong năm 2021 tăng hơn 20% so với cùng kỳ do nhu cầu ở các nhà máy điện khí hồi phục. Đà tăng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2022. Thêm vào đó, GAS cũng đang có mức độ tài chính an toàn khi vốn chủ đang gấp gần 2 lần so với nợ vay.

Tình hình kết quả kinh doanh từ năm 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng

2.3 Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) – Giữ vững thị phần tiêu thụ xăng đứng đầu cả nước

PLX là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực phân phối xăng dầu với thị phần khoảng 50%. Tại Việt Nam, mạng lưới bán lẻ thuộc tất cả các thành phần kinh tế có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó hệ thống phân phối của Petrolimex có hơn 5.500 cửa hàng xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ do Petrolimex trực tiếp cung cấp. Sản lượng xuất bán của PLX luôn giữ vững mức tăng trưởng ổn định hơn 5%/năm trong 5 năm qua.

Với việc giá xăng liên tục tăng cao sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực đến hàng tồn kho của PLX khi có giá vốn thấp ở giai đoạn trước đó. Thêm vào đó, việc thoái vốn khỏi PGB dự kiến sẽ xảy ra trong năm 2022 cũng có thể đem lại khoản lợi nhuận đột biến cho PLX.

Biến động giá xăng tính đến ngày 21/03/2022

Nguồn: Petrolimex

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh 3 lần/tháng (thời gian điều chỉnh giá xăng từ 15 ngày xuống 10 ngày) để sát với tình hình biến động giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, giá cơ sở cũng được tính theo tỷ lệ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước và nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của PLX bám sát với thị trưòng thế giới hơn.

Chịu nhiều sự thiệt hại kể từ năm 2020 khi giá xăng dầu lao dốc khiến giá bán thấp hơn nhiều so với giá vốn. Cộng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội trong năm 2021 kéo theo tiêu thụ sụt giảm thì nay khi tình hình bắt đầu ổn định trở lại, nhu cầu hồi phục sẽ giúp kết quả kinh doanh trong tương lai của PLX khởi sắc hơn.

Tình hình kết quả kinh doanh từ năm 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng

TUYÊN BỐ TỪ CHỐI TRÁCH NHIỆM: Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không cấu thành lời khuyên về đầu tư.

Exit mobile version