Triển vọng ngành xây dựng tích cực khi giá thép giảm và thúc đẩy đầu tư công nửa cuối năm

Triển vọng ngành xây dựng tích cực khi giá thép giảm và thúc đẩy đầu tư công nửa cuối năm - Ảnh 1.

Giá thép hạ nhiệt, giá xi măng vẫn tăng

Ngày 9/7 vừa qua, các thương hiệu thép Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức… vừa giảm giá thép lần thứ 8 liên tiếp trong 2 tháng. Theo đó, giá cuộn và thanh vằn giảm xuống vùng 16.000 – 16.500 đồng mỗi kg, giảm khoảng 8-9% so với vùng giá đầu tháng 5 và giảm 13-15% so với đầu tháng 3. Như vậy, sau thời gian neo cao ở vùng 18.000 – 19.000 đồng/kg thì giá thép xây dựng đã hạ nhiệt về vùng tương đương với cùng kỳ năm trước.

Theo VSA, nguyên nhân giá thép giảm trong thời gian qua là do giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường chững lại. Nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho nên lượng hàng xuất của nhà máy giảm nhiều so với bình thường.

Chứng khoán SSI cho biết sau khi tăng 15% trong quý I do nhu cầu bị dồn nén thì sản lượng tiêu thụ trong nước (bào gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) trong tháng 4 và 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu hơn do giá thép neo ở mức cao cùng sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động bị đình trệ, lo ngại giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho và chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

VNDirect kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn. Song, triển vọng nhu cầu thép phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và giá nguyên liệu đầu vào duy trì ở mức cao sẽ khiến quá trình giảm giá này kéo dài hơn dự kiến. Theo đó, giá bán thép xây dựng trung bình năm 2022 – 2023 sẽ đạt lần lượt 16.100 – 14.500 đồng/kg (giảm 5% – 15% so với giá hiện tại).

Diễn biến giá thép hạ nhiệt giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi đáng kể. Trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu chiếm đến 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, trong đó thép và xi măng là 2 vật liệu quan trọng nhất.

Song, giá xi măng vẫn tăng lên vùng 1,65 – 1,7 triệu đồng/tấn do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước và nhân công đều tăng. Theo nhận định của Hiệp hội xi măng, giá xi măng sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm khi chi phí đầu vào vẫn cao và sản lượng tiêu thụ nội địa có thể tăng trở lại nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Triển vọng cổ phiếu ngành xây dựng tích cực nhờ đẩy mạnh đầu tư công

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công nửa đầu năm ước đạt 151 tỷ đồng, thực hiện gần 28% kế hoạch Thủ tướng giao. Bên cạnh các yếu tố khác liên quan chính sách, thể chế, nguồn lao động thiếu hụt,… thì giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm.

VNDirect kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng trong nửa cuối năm 2022 khi giá nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu đạt đỉnh và gói kích thích kinh tế hơn 113.000 tỷ đồng bắt đầu được giải ngân từ tháng 4. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5 thành lập 6 đoàn kiểm tra để giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm và năm sau như tăng tần suất cập nhật giá vật liệu tại các địa phương, lập sổ nhật ký công trình để đảm bảo thanh toán nhanh chóng cho nhà thầu, giao trách nhiệm cho các trưởng ban quản lý dự án, khảo sát và cấp phép sớm các mỏ vật liệu thực hiện 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung như giai đoạn 1.

Xét cả năm, VNDirect duy trì kỳ vọng vốn đầu tư công thực hiện tăng 20-30% so với năm trước khi tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 sẽ cao hơn nửa đầu năm nhờ mức nền thấp của cùng kỳ 2021. Đồng thời, việc Việt Nam vẫn đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế sau dịch bệnh, giải ngân đầu tư công sẽ tăng trưởng nhanh trong suốt cả năm 2023 và trở thành động lực chính cho nhu cầu xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong dài hạn, quy mô các gói đầu tư tại các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam là rất lớn, lên tới 32,1 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2030.

 

Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam (MAS) đánh giá biên lợi nhuận của ngành xây dựng chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên trong dài hạn, MAS kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn; tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở.

Khi đó, các doanh nghiệp xây dựng ở từng phân khúc đều được hưởng lợi như nhóm dân dụng gồm Coteccons ( HoSE: CTD ), Hòa Bình ( HoSE: HBC ), Hưng Thịnh Incons ( HoSE: HTN ) hay nhóm công nghiệp, hạ tầng như Vinaconex ( HoSE: VCG ), Đèo Cả ( HoSE: HHV ), CII ( HoSE: CII ), Fecon ( HoSE: FCN ), Tracodi ( HoSE: TCD ), CIENCO4 ( UPCoM: C4G )…

Exit mobile version