Trung Quốc hạ lãi suất trung hạn lần đầu tiên kể từ 4/2020

Trung Quốc lần đầu tiên hạ lãi suất cho vay trung hạn kể từ đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020 khi thị trường bất động sản lao dốc và các đợt bùng phát dịch bệnh liên tục làm giảm triển vọng tăng trưởng của quốc gia này. 

Vào ngày 17/1, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ 2,95% xuống 2,85% của các khoản vay trị giá 700 tỷ nhân dân tệ (110,19 tỷ USD) thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) một năm đối với nhiều thể chế tài chính, báo hiệu một đợt cắt giảm lãi suất chính thức. Đây là mức cắt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn bảy ngày từ 2,2% xuống 2,1%.

Yewei Yang, nhà phân tích tại Guosheng Securities Co., cho biết: “PBOC đã đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách để hạ thấp chi phí đi vay và khuyến khích cung cấp tín dụng.”

Động thái này của Trung Quốc khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu ngạc nhiên. Cục dự trữ liên bang Fed đang oằn mình tìm cách bình thường hóa các chính sách tiền tệ để kiềm chế sự gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, bước đi này của Trung Quốc ủng hộ cam kết của các nhà hoạch định chính sách vào tháng trước rằng họ sẽ hành động để hỗ trợ nền kinh tế sau nhiều tháng không có hỗ trợ đòn bẩy tài chính dẫn đến tình trạng sụt giảm nhà ở.

Các nhà giao dịch còn đặt cược rằng PBOC có thể giảm hơn nữa sau khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ cho các ngân hàng, trong khi các nhà cho vay đã giảm lãi suất cơ bản vào tháng trước.

“Việc cắt giảm lãi suất hôm nay cho thấy rằng các ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, lãi suất cho vay chuẩn trong tháng thứ hai liên tiếp. Các nhà chức trách Trung Quốc có xu hướng cung cấp nhiều hỗ trợ theo chu kỳ hơn để tự bảo vệ chống lại những thách thức mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là khi rủi ro từ biến thể Omicron đang rình rập”, Hao Zhou, nhà kinh tế thị trường mới nổi tại Commerzbank AG cho biết hôm 17/1.

Mới đây, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ghi nhận nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo 8% và vượt cả mục tiêu trên 6% do Bắc Kinh đề ra. Tuy nhiên, GDP của Trung Quốc tăng 4% trong giai đoạn quý 4 năm 2021, tốc độ thấp nhất kể từ quý 2 năm 2020 và thấp hơn mức 4,9% trong quý 3 năm 2021. Số liệu này có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách triển khai các chính sách nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trong năm 2022 vẫn chưa rõ ràng. Nhu cầu toàn cầu có thể lao dốc, biến thể Omicron vẫn lan rộng. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản – bắt đầu với tập đoàn China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn – chưa có dấu hiệu kết thúc.

Có thể thấy, việc hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm giúp nền kinh tế chống chịu với các thách thức đến từ lĩnh vực bất động sản và dịch bệnh.

Exit mobile version