Ngày thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tuần, giá than nhiệt ở Trung Quốc thiết lập kỷ lục mới trong bối cảnh các khu vực khai thác than trọng điểm ở nước này bị ngập lụt.
Giá than tăng liên tục từ đầu tuần
Trong phiên đầu tuần (11/10), giá than tăng 12%. Tuy nhiên hôm nay, kỷ lục đó đã bị xô đổ khi mà giá than giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đang tăng thêm 7,1% lên mức 1.507,8 nhân dân tệ (234 USD) mỗi tấn.
Những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy nguồn cung và ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang ở Trung Quốc càng thêm khó khăn khi giá than tiếp đà tăng vọt.
Giới phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ thiếu hụt nguồn cung than lên tới 30 – 40 triệu tấn trong quý IV năm nay.
Trong khi đó, mưa lớn và lũ lụt đang khiến hoạt động của nhiều mỏ than tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) gặp khó khăn. Hiện gần 10% trong tổng số 682 mỏ than tại tỉnh này đã buộc phải ngưng hoạt động, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Chưa kể, việc nguồn cung than từ Sơn Tây hiện chiếm đến 30% tổng nguồn cung than nội địa Trung Quốc đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn.
Nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho những tháng mùa đông tới đây, tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các mỏ than tại nước này phải tăng cường đáng kể công suất khai thác cho dù chi phí khai thác có thể tăng cao. Các mỏ than đã đạt hạn ngạch khai thác cũng được tiếp tục khai thác bình thường.
Chưa kể, Trung Quốc cũng đang ồ ạt thu mua than từ nhiều quốc gia khiến giá than khu vực Châu Á – Thái Binh Dương chạm mức cao lịch sử.
Đảm bảo nguồn cung than- ưu tiên hàng đầu ở Bắc Kinh
Đảm bảo nguồn cung cấp than đã trở thành ưu tiên hàng đầu ở Bắc Kinh hiện nay ngay cả khi nước này có kế hoạch thực hiện cam kết cắt giảm khí carbon.
Tối qua (11/10), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một bài phát biểu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề an ninh năng lượng đối với sự phát triển liên tục của Trung Quốc. Trong đó, ông nhắc lại kế hoạch tiếp tục đầu tư vào ngành than của nước này, ít nhất là trong thời gian tới.
Trung Quốc hiện cung cấp và tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung than của thế giới, chiếm 64% sản lượng điện của nước này. Năm nay, giá than tăng vọt khi sản lượng khai thác không theo kịp nhu cầu đang tăng mạnh sau đại dịch khiến nguồn tồn kho cạn kiệt.
Tình trạng thiếu điện cộng với giá tăng cao khiến hàng loạt nhà máy trên khắp Trung Quốc phải cắt điện khi chính phủ Trung Quốc tập trung ưu tiên nguồn điện cho sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần.
UBS Group AG cho biết, việc cắt điện này có thể khiến các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng nhất như thép, hóa chất và xi măng giảm 30% công suất hoạt động.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã quyết liệt thực hiện các bước nhằm giảm bớt tình trạng thiếu điện trên diện rộng, bao gồm yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng khai thác và cho phép tăng giá điện để khuyến khích các nhà máy phát điện tăng sản lượng.
Cát Anh (T/h)