Theo các quan chức của Nhà Trắng, cho dù Trung Quốc có ra sức thúc đẩy thương mại với Nga cũng không thể giúp nước này bù đắp lại tổn thất từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ.
Chỉ vài tiếng sau khi Tổng thống Nga triển khai hoạt động quân sự đặc biệt với Ukraine, các nước lớn trên thế giới bao gồm Anh, Mỹ và châu Âu đều thông báo áp đặt các lệnh trừng phát nhằm cô lập nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, một loạt các lệnh trừng phạt lại bỏ qua hoạt động mua bán dầu và khí đốt của Nga.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hoạt động thương mại của đất nước tỷ dân với Nga và Ukraine vẫn sẽ “bình thường” và từ chối gọi việc động binh của Điện Kremlin là một “cuộc xâm lược”. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm đối với lúa mì nhập khẩu từ Nga, động thái này cho thấy mối quan hệ giữa Moskva-Bắc Kinh đang được thắt chặt khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Tuy nhiên, tỷ trọng của Trung Quốc và Nga trong nền kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều so với nhóm các nước G7 bao gồm Mỹ và Đức. Do đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Trung Quốc “không thể bù đắp” tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo dữ liệu của World Bank, Trung Quốc chiếm 17,3% GDP toàn cầu vào năm 2020, Nga chiếm 1,7% trong khi đó, nhóm G7 chiếm đến 45,8% GDP toàn cầu.
Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nga và Ukraine. Cả hai nước Đông Âu đều là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – một dự án để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục 146,9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá từ mức xuất nhập khẩu hiện tại, thương mại giữa hai bên sẽ cần phải tăng thêm 37% để đạt được mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2024.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Ukraine cũng đạt mức cao kỷ lục 19,31 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước.