Ông Trần Bình – một nhà đầu tư mạo hiểm dày dặn kinh nghiệm đã chia sẻ trên Bloomberg rằng, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm khởi nghiệp của châu Á.
Lý do khẳng định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á
Ông Bình Trần là người đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures. Cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg, ông cho biết, lĩnh vực khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng. Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm công nghệ tiếp theo của khu vực.
Để khẳng định cho quan điểm của mình, ông Bình Trần đưa ra nhiều dẫn chứng. Hồi năm 2017, nguồn vốn mạo hiểm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam chỉ là 48 triệu USD. Trong khi đó, năm qua, con số này đã là 2,1 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng được đánh giá là rất lớn.
Từ San Francisco (Mỹ), năm 2020, ông Bình Trần chuyển đến kinh doanh tại Việt Nam. Ông cho rằng, các nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại thung lũng Silicon đang rất quan tâm đến lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam. Nói vậy bởi tại San Francisco, các quỹ đầu tư mạo hiểm danh tiếng như Goodwater Capital LLC, Altos Ventures Management Inc hay Accel Partners LP đều đã bỏ tiền, rót vốn vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Theo khẳng định của ông Bình Trần: “Điều này đã biến Việt Nam trở thành một trung tâm khởi nghiệp quan trọng của khu vực Châu Á”.
Qua tìm hiểu, 500 Global Vietnam – quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nhân này hiện đã đầu tư vào khoảng 70 công ty tại Việt Nam, ở các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech) hay chăm sóc sức khỏe.
Lạc quan vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam
Những năm gần đây, số vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ Việt tăng trưởng tốt. Google, Temasek và Bain & Company công bố báo cáo e-Conomy cho thấy, năm 2021, tổng giá trị nền kinh tế Internet của Việt Nam tăng 31%, dự kiến đạt 21 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng này nhờ vào sức tăng trưởng của ngành thương mại điện tử (lên đến 53%), dù thị trường du lịch trực tuyến đang bị thu hẹp.
Theo dự báo của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2025, nền kinh tế Internet tại Việt Nam sẽ đạt giá trị lên tới 57 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 29%.
Không những vậy, trong nửa đầu năm 2021, hoạt động giao dịch đầu tư sáng tạo tại Việt Nam tăng vọt. Thậm chí, nó còn vượt các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây.
So với hầu hết các nước trong khu vực, Việt Nam đang là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn. Nhờ vào các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc cũng như sự phát triển của hệ sinh thái số mà nguồn vốn toàn cầu vẫn chảy vào Việt Nam.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng rất cao. Trong đó, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục là các mảng đầu tư đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Ông Bình Trần từng chia sẻ, thị trường Việt Nam dễ tiếp cận. Trong khi đó, Việt Nam cũng có nguồn nhân lực kỹ sư phần mềm dồi dào, tay nghề cao. Trong đó, các kỹ sư công nghệ có kiến thức nền tảng tốt và khả năng xây dựng sản phẩm khác biệt. Khi 2 yếu tốthị trường và nhân lực kết hợp với nhau, lĩnh vực công nghệ sẽ có kết quả tích cực.
Chưa kể, các công ty phần mềm đã lựa chọn Việt Nam làm môi trường kiểm thử. Do đó, Việt Nam đóng vai trò là thị trường quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.
Ông Bình Trần cho rằng, công nghệ sẽ trở thành lĩnh vực tạo ra các giá trị kinh tế theo cấp số cao và bày tỏ sự tin tưởng, tỷ phú công nghệ Việt Nam sẽ sớm xuất hiện.
Cát Anh (T/h)