Theo đúng dự đoán của một số chuyên gia, giá xăng tăng 600 đồng/lít bắt đầu từ chiều 11/1.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp 2 phiên
Kể từ 2/1, mỗi tháng, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh 3 lần, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/201. Theo đó, việc điều chỉnh giúp giá xăng dầu bám sát diễn biến của thế giới, tránh tình trạng tăng sốc, giảm chậm.
Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm mới 2022 theo yêu cầu của liên bộ Tài chính – Công thương diễn ra vào chiều 11/1. Theo đó, từ 15h, xăng E5 RON 92 tăng thêm 600 đồng mỗi lít lên 23.150 đồng, xăng RON 95 tăng giá thêm 580 đồng lên 23.870 đồng/lít.
Dầu diesel tăng 660 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 18.230 đồng/lít; dầu hỏa tăng 620 đồng/lít lên 17.130 đồng/lít; dầu mazut 620 đồng/kg lên 16.360 đồng/kg. Như vậy, xăng dầu đã tăng giá 2 phiên liên tiếp.
Mọi khi, trước kỳ điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đều cập nhật giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore nhưng lần này lại không. Tuy nhiên, một số thống kê cho thấy, giá dầu thế giới tuần qua tăng 5%.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối tại TP.HCM dự báo trước đó, nếu tính theo công thức cũ, không tác động đến quỹ bình ổn thì có thể giá xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, RON 95 có thể tăng 810 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11/1. Mặt hàng dầu diesel giá bán có khả năng sẽ tăng 810 đồng/lít; dầu hỏa được dự đoán tăng 580 đồng.
Ngoài ra, còn có một kịch bản khác đó là nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì xăng chỉ nhích nhẹ giá.
Quỹ bình ổn xăng dầu cạn kiệt
Quỹ bình ổn đang trong tình trạng cạn kiệt, thậm chí tại một số đơn vị còn trong trạng thái âm lớn.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có báo cáo mới nhất thể hiện, trước thời điểm 15h ngày 25/12/2021, Quỹ bình ổn đang âm 269 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg nhằm ổn định giá xăng trong nước. Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn tăng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là những doanh nghiệp vận tải.
Nhiều quan điểm cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế là 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá. Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta không nên can thiệp bằng quỹ bình ổn giá xăng. Bởi, nếu để giá của xăng giảm xuống thấp, sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam ra nước ngoài – điều mà chúng ta không thể chống đỡ được khi bù giá.
Theo ông, tối ưu nhất là tiết giảm chi phí ở các khu vực khác để hài hoà và chỉ can thiệp một cách rất hạn chế, tránh tạo ra khoảng chênh lệch quá lớn, kích thích buôn lậu xăng dầu tăng cao.
Cát Anh (T/h)