Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/5), VN-Index đứng ở mức 1.240,71 điểm, tương ứng tăng 57,94 điểm (4,9%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 4,63 điểm (1,53%) lên 307,02 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm (0,53%) lên 94,11 điểm.
Bắt đầu từ 17/5, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã công bố trở lại dữ liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK). Trước đó, Ủy ban Chứng khoán đã đề nghị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện công bố thông tin cuối ngày giao dịch về tổng khối lượng và tổng giá trị mua bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán trước ngày 23/5. Và với việc công bố ngay trong ngày 17/4, HoSE đã thực hiện trước thời hạn 1 tuần so với thời hạn UBCK yêu cầu.
Số liệu về giao dịch tự doanh trước đây được HoSE công bố đều đặn sau ngày giao dịch, song từ 1/3, HoSE đã ngưng cung cấp số liệu với lý do phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới. Nhiều chuyên gia cho rằng giữa lúc thị trường cần sự minh bạch mà ngưng công bố gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường. Trong khi đó, HNX chưa từng công bố dữ liệu này.
Tình từ phiên 17/5 đến hết 20/5, khối tự doanh mua vào 38,8 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 1.334 tỷ đồng, trong khi bán ra 45 triệu cổ phiếu, trị giá 1.928 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 604 tỷ đồng, trong đó có 731 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối tự doanh lớn nhất.
Khối tự doanh bán ròng mạnh nhất mã VIC với 89 tỷ đồng. Tiếp sau đó, MSN và VHM bị bán ròng lần lượt 81 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DXG được mua ròng mạnh nhất với 69 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là APH với 30 tỷ đồng. STB và REE đều được mua ròng hơn 16 tỷ đồng.
Tương tự dòng vốn tự doanh CTCK, khối ngoại bán ròng trở lại 142 tỷ đồng ở sàn HoSE, tương ứng khối lượng bán ròng là 139.320 cổ phiếu.
Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã DPM với 221 tỷ đồng. VNM và MSN đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 147 tỷ đồng và 134 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND cũng được mua ròng 129 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 576 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng bị bán ròng 422 tỷ đồng. STB, VIC và VCB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.