Theo thông tin từ tập đoàn điện lực Việt Nam, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống thời điểm cuối tháng 3 đã phải dừng và giảm phát. Từ tháng 4 có thể thiếu điện.
Than khan hiếm, có thể thiếu điện mùa cao điểm
Tình hình sản xuất nhiệt điện đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông tin vào ngày 30/3. Theo đó, so với hợp đồng cung cấp than đã ký, EVN gặp nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn trong quá trình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.
Trong quý I, hợp đồng ký về số lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 5,85 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN chỉ dừng ở con số 4,49 triệu tấn (khoảng 76,76%). Có thể thấy, đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn than so với khối lượng kí kết trong hợp đồng.
Đến cuối tháng 3, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp.
Trong đó, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện như Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than để vận hành một tổ máy với mức công suất 60-70%. Tương tự, than chỉ đủ để nhà máy nhiệt điện Hải Phòng vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.
Nhìn chung, tình trạng thiếu than khiến cho toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than cho hoạt động sản xuất điện. Theo đánh giá của EVN, nguy cơ thiếu than có thể dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi.
Cảnh báo của EVN
Nhiệt điện than đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng cao điểm mùa khô, các tháng 4, 5, 6, 7 ở miền Bắc.
Theo khuyến cáo của doanh nghiệp, người dân cũng như khách hàng sử dụng điện cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, có thể kể đến như tắt các thiết bị điện không cần thiết, giờ cao điểm tránh sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc, sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý…
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc trước đó đã có báo cáo về việc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm theo hợp đồng đã ký đến Bộ Công Thương.
Văn bản báo cáo ghi rõ, một trong số các nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực làm việc tại các mỏ than.
Ngoài ra, từ cuối tháng 2 trở lại đây, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến cho giá các loại nhiên liệu như dầu, khí, xăng, than trên thị trường quốc tế liên tục tăng cao. Các lệnh trừng phạt khiến cho việc vận chuyển than gặp khó, than lưu thông trên thị trường quốc tế bị hạn chế và giá tăng cao kỷ lục.