Tỷ giá USD đầu phiên giao dịch ngày 14/7 đã quay đầu giảm sau khi tăng nóng vào hôm qua.
Tỷ giá USD “thăng hoa”, Euro chịu nhiều áp lực
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) trên thị trường Mỹ đầu phiên giao dịch ngày 14/7 quay đầu giảm nhẹ 0,05%, về mốc 108,02.
Tỷ giá USD giảm sau khi dữ liệu mới được công bố vào hôm qua (13/7) về việc, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Mỹ tăng lên cao nhất trong hơn 40 năm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu ngày 13/7 đã nói rằng, lạm phát trong tháng 6 đang ở mức “cao không thể chấp nhận nổi”.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Mỹ so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng 9,1%. Đây được đánh giá là mức tăng mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ. Điều này khiến người Mỹ phải cần mẫn hơn để có thể chi trả các sinh hoạt phí như xăng, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe hay tiền thuê nhà.
Đến mức, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance – Chris Zaccarelli phải thốt lên rằng: “Con số lạm phát Mỹ cao đáng kinh ngạc. Nó cao hơn dự kiến và cho thấy lạm phát đang nhanh chóng đi sai hướng”.
Dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa so với các ngân hàng trung ương khác, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Lạm phát tăng nóng, các nhà giao dịch đặt cược về khả năng, trong cuộc họp ngày 26 và 27/7, Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản. 75 điểm cơ bản được coi mức tăng ít nhất và gần như chắc chắn.
Gần như đồng quan điểm trên, hôm thứ Tư vừa qua, Atlanta Raphael Bostic – Chủ tịch Fed cho biết, lạm phát tháng 6 cao vượt dự kiến, do đó các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ xem xét mức tăng 100 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.
Trong khi đó, đồng Euro lại đang chịu quá nhiều áp lực bởi đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraine và nhiều yếu tố khác. Có thời điểm, tỷ giá đồng Euro đã giảm xuống mức 0,9998 USD so với đồng bạc xanh, phá vỡ ngưỡng ngang giá lần đầu tiên kể từ tháng 12/2002. Sau đó, nó đã bật tăng trở lại, chốt phiên giao dịch ở mức 1,0061 USD.
Theo dự kiến, tại cuộc họp ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2011.
Tỷ giá USD, Euro trong nước
Cuối phiên giao dịch ngày 13/7, tại thị trường trong nước, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng mạnh ở mức: 23.198 đồng.
Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD tham khảo mua vào – bán ra ở mức: 22.550 đồng – 23.400 đồng. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá này có sự dịch chuyển khác nhau, cụ thể: Vietcombank mua vào- bán ra: 23.250 đồng – 23.530 đồng; VietinBank: 23.173 đồng – 23.613 đồng.
Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá Euro mua vào – bán ra tăng nhẹ ở mức: 22.571 đồng – 23.967 đồng. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá Euro mua vào và bán ra nhích hơn một chút. Trong đó, tại Vietcombank: 23.086 đồng – 24.135 đồng; VietinBank: 22.669 đồng – 23.959 đồng.