Tại cuộc họp thường niên năm 2022 của Daily Journal, tỷ phú Charlie Munger đã đưa ra những quan điểm cho nhiều câu hỏi như tại sao ông chọn đầu tư vào Trung Quốc, tại sao ông mua cổ phiếu Alibaba, quan điểm của ông về tiền điện tử và môi trường kinh tế hiện tại.
Ngày 16/2/2022, Charlie Munger tham dự Cuộc họp Thường niên của Daily Journal như thường lệ. Mặc dù đã 98 tuổi nhưng vị chuyên gia đầu tư này vẫn duy trì cách nói chuyện thẳng thắn và khôn ngoan thường thấy của mình tại cuộc họp.
Cuộc họp kéo dài hai giờ và Munger đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng đầu cơ nguy hiểm trên thị trường, thổi bay tiền điện tử và rung chuông báo động lạm phát
Tại sao chọn đầu tư vào Trung Quốc?
Munger từ lâu đã lạc quan về Trung Quốc. Trước đó, ông và Buffett đã dẫn dắt Berkshire Hathaway đầu tư vào gã khổng lồ ô tô điện BYD, và đạt được thành công rực rỡ.
Khi nói về lý do tại sao ông chọn đầu tư vào Trung Quốc, Munger nói rằng mỗi đô la đầu tư vào Trung Quốc đều có lợi hơn. Các công ty mà họ đầu tư vào mạnh hơn và rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh của họ:
“Trung Quốc là một quốc gia hiện đại lớn, có dân số khổng lồ và đã đạt được quá trình hiện đại hóa khổng lồ trong 30 năm qua, chúng tôi đã đầu tư một số tiền vào Trung Quốc, vì giá trị mà chúng tôi có thể nhận được ở Trung Quốc về sức mạnh doanh nghiệp và giá cả chứng khoán nhiều hơn ở Mỹ.”
Tại sao mua Alibaba?
Kể từ quý đầu tiên của năm ngoái, Daily Journal Corp của Munger đã tiếp tục xây dựng vị thế tại gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Vào tháng 1/2022, các hồ sơ pháp lý cho thấy rằng Daily Journal của Charlie Munger đã tăng gần gấp đôi số cổ phần nắm giữ tại Alibaba, trong khi các khoản đầu tư khác như Wells Fargo và Bank of America vẫn không thay đổi.
Khi nói về lý do tại sao ông ấy chọn cổ phiếu Alibaba và trong khi người bạn lâu năm Warren Buffett thì không, Munger nói:
“Giống như rất nhiều người thông minh khác, Warren thích đầu tư vào những lĩnh vực mà ông ấy cảm thấy thoải mái và vì một vài lý do, tôi cảm thấy thoải mái hơn ở Trung Quốc so với ông ấy.”
Tiền điện tử nên bị cấm
Trong một thời gian dài, các bậc thầy đầu tư như Buffett và Munger đã chế giễu tiền điện tử. Tại cuộc họp thường niên của Daily Journal này, Munger một lần nữa tấn công tiền điện tử. Tỷ phú nhấn mạnh ông chắc chắn không đầu tư vào tiền điện tử và tự hào khi tránh đầu tư vào nó.
Munger nói thêm rằng mọi người chấp nhận tiền mã hóa vì sự thuận tiện của nó trong những hành vi bất hợp pháp như bắt cóc, tống tiền và trốn thuế. Do đó, ông “ngưỡng mộ Trung Quốc” vì cấm tiền mã hóa. Theo Munger, “Trung Quốc đã đúng” còn Mỹ “sai lầm” vì cho phép và nên áp dụng lệnh cấm tương tự “ngay lập tức”.
Munger hoan nghênh ý tưởng về Dự trữ Liên bang ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Theo quan điểm của ông, tài khoản ngân hàng tương đương với tiền kỹ thuật số.
Rủi ro suy thoái
Ngoài ra, điều đáng nói là đối với môi trường kinh tế hiện tại, Munger cảnh báo nguy cơ suy thoái so với mức độ “trầm trọng hơn của kỷ nguyên Volcker”.
Để kiểm soát lạm phát, Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker đã đặt mục tiêu quy định M1 ở mức 5,5% vào đầu những năm 1980, đồng thời nâng lãi suất lên đáng kể.
Những động thái đó đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ lên 10% vào 2 năm liên tiếp 1980 và 1981, cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Điều này đã dẫn đến các cuộc phản đối dữ dội của công chúng và những lời chỉ trích chính trị đối với Paul Volcker vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Paul Volcker vẫn bất động trước nhiều áp lực từ chính phủ, ngành công nghiệp, vốn và các bên khác, và ông luôn tuân thủ chính sách thắt lưng buộc bụng.