Vận hành nhà máy điện gió lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Vận hành nhà máy điện gió lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 – GĐ 1 với tổng công suất 80MW vừa chính thức được vận hành.

Được biết Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu (thành viên của Hacom Holdings) là chủ đầu tư của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5, tổng mức đầu tư là gần 3.700 tỷ đồng.

Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Đây là dự án nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được xây dựng trên 32 ha với 26 trụ tuabin gió, công suất từ 3.0-3.3-4.2 MW/tuabin, cao trên 140 m.

Dự án được cho là đánh dấu bước đi chiến lược của Công ty CP Đầu tư Hacom Holdings trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.

Mục tiêu của nhà máy là vận hành, hòa mạng điện lưới quốc gia trên đường dây 220 kV Giá Rai – Bạc Liêu 2, cung cấp sản lượng điện trung bình là 240 triệu KWH/năm, sử dụng năng lượng gió để sản xuất năng lượng điện, kết hợp nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách địa phương với giá trị trên 80 tỷ đồng/năm mà còn góp phần phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho toàn khu vực.

Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 được khởi công vào tháng 10/2020 và đưa vào vận hành thương mại (COD) vào ngày 31/10/2021, sau 12 tháng thi công thần tốc và quyết liệt.

Sẽ đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi thời gian tới

Theo đánh giá, đây là một trong những dự án đóng điện nhanh nhất hiện nay. Thời gian tính từ ngày vận hành thương mại COD đến lúc đóng điện hòa vào lưới điện quốc gia chưa đến 1 tuần.

Nhà máy điện gió Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Tuy nhiên, sau 12 tháng thi công thần tốc và quyết liệt đã hoàn thành và đưa vào vận hành.

Ông Trần Phú Chiến – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hacom Holdings cho biết đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công, đặc biệt là sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, đối tác, nhà thầu thi công…

Tuy nhiên, với việc sử dụng lưới địa kỹ thuật Tensar trên vùng đất bùn lầy đã khơi thông luồng lạch từ cảng ra biển khoảng 5 km, xây dựng cảng tạm tại Cái Cùng nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, hoàn thành cảng tạm Cái Cùng trong 40 ngày đủ công suất cho sà lan 8000 tấn cập cảng… là một kỳ tích.

Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 nhà máy điện gió Hòa Bình 5 với công suất 72 MW (Hòa Bình 5.1). Đây là dự án điện gió ngoài khơi của tỉnh Bạc Liêu.

Được biết, Hacom Holdings còn tiếp tục đầu tư vào Bạc Liêu nhiều dự án quy mô lớn, trong đó có dự án khu đô thị kiểu mẫu quy mô 200 ha tại TP.Bạc Liêu. Nhiều dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và dự án bất động sản trên khắp mọi miền đất nước cũng sẽ được đơn vị triển khai.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version