VEPR: Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam – tăng 2,5% với kịch bản tốt nhất

VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam, trong đó, nếu các biện pháp thích ứng với dịch bệnh được bảo đảm đồng bộ, linh hoạt, không cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa thì nền kinh tế sẽ phục hồi chậm nhưng chắc, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt từ 2-2,5%.

Ngược lại, nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát hoặc tái diễn tình trạng “đóng mở”, không giải quyết được khó khăn về nhân công, chi phí thì GDP chỉ tăng từ 1 – 1,5%

Đọc liên quan: GDP là gì? Đây là những điều chắc chắn bạn phải biết về GDP

Kinh tế quý III/2021 suy giảm nghiêm trọng

Chia sẻ tại Tọa đàm “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2021” vào chiều 20/10, các chuyên gia VEPR nhận định doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình trệ, dây chuyền lưu thông đứt gãy là những tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong quý III/2021.

Nhìn chung, 9 tháng đầu năm, kinh tế tăng trưởng 4,42%, nhưng trong riêng quý 3, chỉ số đã giảm mạnh tới 6,17%, mức giảm kỷ lục trong lịch sử thống kê GDP hàng quý. Trong đó, khu vực dịch vụ giảm 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; duy nhất, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 1,04%. Tính chung, GDP 9 tháng đầu năm tăng 1,42%.

Đáng chú ý, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của các tháng trong quý III/2021 giảm sâu, chỉ quanh mốc 40 điểm. Tổng số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới trong quý III/2021 là 36,9 nghìn DN, giảm hơn 50,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, hàng trăm nghìn DN và hàng triệu lao động đã phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc…

Trong quý III/2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 697,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5%. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước giảm 20,6%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giảm 1,4% và khu vực có vốn đầu tư FDI ngoài có mức giảm mạnh nhất là 20,7%. Đáng ngại, số dự án FDI tính đến cuối tháng 9 giảm mạnh về số lượng (37,8%). Vốn FDI tuy có tăng (20,6%) về vốn đăng ký nhưng lại giảm (3,5%) về vốn thực hiện.

“Kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý III/2021 kèm theo các hậu quả kinh tế – xã hội nặng nề mà phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được…” – chuyên gia VEPR nhận định.

Đọc liên quan | IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á do Covid-19

2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021

Hiện các địa phương đang từng bước mở cửa trở lại trên tinh thần “sống chung với Covid-19”. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tương đối cao với gần 70% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi và 20% dân số tiêm 2 mũi. Đây là tiền đề quan trọng để nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, những thách thức dù chỉ là tạm thời cũng sẽ trở thành lâu dài nếu các biện pháp chống dịch cực đoan và cứng nhắc tiếp tục được thực hiện một cách thái quá.

“Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta ứng phó với dịch bệnh. Chỉ cần không phá vỡ chuỗi lưu thông, không phá vỡ chuỗi sản xuất thì nền kinh tế sẽ phục hồi rất tốt ”, ông Anh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, có hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm là hoạt động xuất khẩu và đầu tư công.

Cụ thể, bên cạnh lợi thế của các hiệp định thương mại tự do hay xu hướng dịch chuyển vốn, hoạt động xuất khẩu còn được hưởng lợi từ các chính sách kích cầu, sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu.

Đối với hoạt động đầu tư công, 9 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn chỉ đạt hơn 40%. Trong quý IV/2021, nếu chúng ta tập trung thúc đẩy đầu tư công, nền kinh tế sẽ có triển vọng tốt hơn nhiều.

Ông Anh kiến ​​nghị, chính sách đầu tư công cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn tạo ra tác động lan tỏa và lâu dài.

Bên cạnh việc đẩy nhanh giải ngân các khoản đầu tư công, chính sách tài khóa cũng phải tập trung vào các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đối với chính sách tiền tệ, nhóm nghiên cứu của VEPR cảnh báo rằng “cần hết sức thận trọng với bất kỳ biện pháp nới lỏng tiền tệ nào”, trước những rủi ro về lạm phát chi phí và bong bóng tài sản.

Đọc liên quan | Top 10 quốc gia đáng sống và làm việc, Việt Nam xếp thứ bao nhiêu?

Dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2021, các chuyên gia Viện VEPR đưa ra hai kịch bản:

Về kịch bản xấu: Bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát trong khi Việt Nam, tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Đối với kịch bản này, một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động (NLĐ) còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Với kịch bản này, VEPR dự báo GDP Việt Nam cả năm tăng từ 1 – 1,5%, trong đó GDP ngành công nghiệp xây dựng tăng cao nhất với 3 – 3,5%, tiếp đó là ngành nông – lâm – ngư – thủy sản tăng 2 – 2,5%, đáng ngại là ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng âm [(-1) – (-0,5%)].

Về kịch bản tốt: Cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch và vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Các hoạt động sản xuất, tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý IV/2021. Tình trạng phong tỏa như trong quý III/2021 không lặp lại.

Với kịch bản này, VEPR dự báo GDP Việt Nam cả năm 2021 tăng từ 2 – 2,5%, trong đó GDP ngành công nghiệp xây dựng tăng cao nhất với 4 – 4,5%, tiếp đó là ngành nông – lâm – thủy sản tăng 2,7 – 3,2%, ngành dịch vụ tăng nhẹ 0 – 0,5%.

Đọc liên quan | WB dự báo: Việt Nam tăng trưởng từ 2%-2,5%

Như vậy, kịch bản tốt của VEPR giống với dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hôm 13/10 trong cập nhật bản tin về Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2021. WB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021, ước tính vào khoảng từ 2 – 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,8% mà WB công bố hồi tháng 8.

Đọc liên quan | Kịch bản tăng trưởng GDP nào cho quý IV và năm 2021?

Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP được Bộ KH&ĐT xây dựng theo 02 kịch bản với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ từ 3,0 – 3,5%,  tương ứng GDP quý IV phải đạt từ 7,06-8,84%, cụ thể:

Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 3,0% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,5 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng GDP là 7,06%.

Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 3,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 3,0 điểm phần trăm), quý IV cần đạt mức tăng trưởng GDP là 8,84%.

Exit mobile version