Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đánh giá tình hình vĩ mô thế giới vẫn đang đối mặt nhiều rủi ro lớn và các nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu vẫn đối mặt với nguy cơ suy thoái khi các sự kiện kinh tế chính trị vẫn tiếp tục diễn ra theo hướng xấu. Cùng với đó, lạm phát cao sẽ thắt chặt chi tiêu người dân.
Nhìn về vĩ mô Việt Nam, VFS cho rằng lạm phát có thể tiếp diễn tăng vào những tháng cuối năm tuy nhiên vẫn nằm trong vùng kiểm soát 4% của NHNN.
Tiêu dùng trong nước hồi phục mạnh mẽ khi lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên tăng trưởng tiêu dùng đã bắt đầu chậm lại so với tháng 7 do nền kinh tế trong nước đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát và khó khăn của kinh tế thế giới.
Về hoạt động xuất khẩu, tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt 250,8 tỷ USD và 246,84 tỷ USD tăng lần lượt 17,3% và 13,6% so với cùng kỳ . Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy tình hình xuất nhập khẩu đến hết tháng 8 vẫn duy trì ở mức tích cực, song đội ngũ phân tích cho rằng những tháng cuối năm đà tăng trưởng sẽ giảm tốc do các thị trường chính của Việt Nam như là Mỹ, EU gặp khó.
Về xu hướng tăng lãi suất, VFS cho rằng xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn đến cuối năm do (1) sự chênh lệch giữa nhu cầu tín dụng và tăng trưởng tiền gửi (2) áp lực tăng giá của đồng USD (3) Từ tháng 10/2022, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn giảm từ 37% xuống 34%.
Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các những bất ổn của kinh tế thế giới là bất khả kháng và dự kiến sẽ phản ánh nhiều hơn vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, với việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, cũng như nền tảng tài chính tích lũy ổn định kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ vẫn nằm trong vòng kiểm soát và vượt qua được những khó khăn của thế giới trong năm 2022.
Nhóm phân tích VFS cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì được sự ổn định, phục hồi tốt sau dịch nhưng sẽ giảm tốc so với những tháng trước, lạm phát có thể tiếp diễn tăng vào các tháng cuối năm nhưng sẽ được kiểm soát dưới 4% là những điểm tích cực bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới.
Dựa trên phân tích bối cảnh vĩ mô, VFS dự báo chứng khoán Việt Nam dự kiến biến động hẹp quanh vùng 1.150 – 1.350 điểm. Tác động ngoại cảnh vẫn sẽ là những yếu tố quan trọng tác động đến những biến động của VN-Index từ (1) Chính sách Zero Covid của Trung Quốc và hiện vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho việc mở cửa kinh tế trở lại. (2) Chính sách tiền tệ của các NHTW đặc biệt là Fed tiếp tục xu hướng tăng lãi suất từ nay đến cuối năm để đối phó với lạm phát. (3) Xung đột Ukraina với Nga và khả năng kinh tế ở châu Âu rơi vào suy thoái.