Vì sao 5 ông lớn Trung Quốc hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ?

5 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có hãng bảo hiểm China Life Insurance và đại gia dầu mỏ Sinopec, vừa quyết định tự nguyện hủy niêm yết khỏi sàn NYSE. Động thái này đánh dấu sự leo thang trong cuộc phân tách tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina), Công ty bảo hiểm nhân thọ China Life Insurance, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Công ty TNHH Nhôm Trung Quốc (Chalco), và Công ty TNHH Hóa dầu Sinopec Thượng Hải cho biết họ sẽ nộp đơn xin hủy niêm yết Cổ phiếu lưu ký tại Mỹ trong tháng này. Họ sẽ giữ danh sách của họ ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Cổ phiếu cả 5 công ty trên đều đi xuống trong phiên giao dịch ngoài giờ tại Mỹ. China Life Insurance và Sinopec giảm lần lượt 5,7% và 4,3%. Aluminium Corporation of China giảm 1,7%. PetroChina mất 4,3%. Sinopec Shanghai Petrochemical giảm 4,1%.

Vào tháng 5, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã đánh dấu năm công ty trên và nhiều công ty khác của Trung Quốc là không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ. Trong các thông báo của mình, các công ty đã không đề cập đến tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra khi căng thẳng gia tăng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.

 Mỹ-Trung Quốc không chỉ đang căng thẳng với các vấn đề địa chính trị và thương mại, mà còn đang “đụng nhau” trên thị trường chứng khoán khi khoảng 270 công ty của Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch ở Mỹ vào năm 2024. 

Năm 2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài (HFCAA), theo đó quy định các công ty không thể giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ, nếu Hội đồng giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ PCAOB không thể kiểm tra công tác kiểm toán của họ trong 3 năm liên tiếp.

Trong khi đó, Bắc Kinh cấm phía nước ngoài kiểm tra giấy tờ kiểm toán của các công ty Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết: “Năm công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và yêu cầu của cơ quan quản lý kể từ khi niêm yết tại Mỹ. Việc hủy niêm yết là các cân nhắc kinh doanh của riêng các đơn vị”.

CSRC cũng cho biết sẽ giữ “liên lạc cởi mở với các cơ quan quản lý nước ngoài có liên quan”.

Hồi tháng 4, Trung Quốc đã nới lỏng một quy tắc kéo dài một thập niên, trong đó, hạn chế hoạt động chia sẻ dữ liệu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài. Hồi tháng 7, các nhà quản lý Trung Quốc đã kiểm tra hệ thống phân loại các công ty Trung Quốc dựa trên độ nhạy cảm của dữ liệu của họ, điều này sẽ dẫn đến một số quyết định hủy niêm cổ phiếu tự nguyện ở Phố Wall.

Exit mobile version