Vì sao giá điện ở châu Âu tăng cao kể từ đầu tháng 9?

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng khí đốt và điện sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua, thời gian gần đây giá điện tại Châu Âu tăng cao kỷ lục. Nguyên nhân nào dẫn tới sự tăng đột biến về giá điện ở châu lục công nghiệp này?

Thiếu khí đốt tự nhiên và thiếu điện gió được cho là những nguyên nhân chính khiến giá điện ở châu Âu tăng vọt.

Tại châu Âu, giá điện tăng chậm trong nhiều tháng trước khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và sau đó tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây. Kể từ đầu tháng 9 năm 2021, giá điện tại Đức và Pháp đã tăng lần lượt 36% và 48%. Giá điện tại hai quốc gia này đang dao động quanh mức cao kỷ lục 189 USD/megawhatt giờ (MWh).

Trong khi đó, giá điện ở Anh đạt 385 bảng Anh (532 USD), tăng hơn 160% so với mức 147 bảng cách đây vài tuần. Vậy tại sao giá điện ở Châu Âu lại cao như vậy?

Nguyên nhân chính, theo The Economist là do thiếu khí đốt tự nhiên được sử dụng để tạo ra 20% điện năng ở châu Âu. Sự thiếu hụt này đã làm tăng giá khí đốt tự nhiên và đẩy giá điện lên cao. Khoảng một phần ba nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu đến từ Nga và khoảng một phần năm từ Na Uy.

Cả hai nước đang phải đối mặt với nhiều yếu tố làm gián đoạn sản xuất, chẳng hạn như vụ cháy nhà máy ở Siberia khiến nguồn cung bị cắt giảm. Những người mua khí đốt tự nhiên ở châu Âu – chẳng hạn như các công ty khí đốt quốc gia – đang chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên, họ phải cạnh tranh với những người mua từ Trung Quốc và Nhật Bản, nơi nhu cầu về LNG đang tăng nhanh.

Graham Freedman, nhà phân tích tại Wood Mackenzie, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu LNG sang châu Âu giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhu cầu về điện và LNG cũng tăng mạnh khi châu Âu trải qua một mùa đông dài và lạnh giá.

Thông thường, các công ty phát điện châu Âu đối phó với giá khí đốt cao bằng cách chuyển sang sử dụng nhiều than hơn. Tuy nhiên, hiện tại giá than cũng đang ở mức cao kỷ lục do nhu cầu tiêu thụ điện của Trung Quốc tăng cao và sản xuất bị tắc nghẽn. Chi phí mua giấy phép carbon ở châu Âu cũng cao. Khi đốt than tạo ra nhiều khí thải hơn đốt khí tự nhiên, chi phí xin giấy phép phát thải cũng cao hơn và dẫn đến giá điện tăng mạnh.

Một lý do khác là thiếu năng lượng gió. Khoảng một phần mười lượng điện ở châu Âu là năng lượng gió. Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Đức và Vương quốc Anh tỷ lệ gió chiếm 20%. Tuy nhiên, gần đây, gió đã trở nên yếu hơn nhiều. Roy Manuell, chuyên gia của công ty nghiên cứu ICIS, cho biết tại Đức, trong hai tuần đầu tháng 9 năm 2021, công suất phát điện từ gió thấp hơn 50% so với mức trung bình 5 năm.

So với các nước châu Âu, giá điện ở Anh đã tăng mạnh hơn rất nhiều. Thật vậy, Vương quốc Anh phụ thuộc vào nguồn điện được sản xuất từ ​​khí đốt và năng lượng gió. Hai nguồn điện này chiếm khoảng 60% lượng điện ở Anh, gần gấp đôi mức trung bình của EU. Một yếu tố khác là so với các nước láng giềng, mức độ kết nối với lưới điện châu Âu của Vương quốc Anh khá thấp. Kết nối với lưới điện châu Âu giúp cân bằng cung cầu và giúp giá điện ít biến động hơn.

Các nhà phân tích dự đoán giá điện sẽ vẫn ở mức cao cho đến cuối mùa đông, khi nhu cầu về nhiệt và điện cao. Đây là một tin xấu đối với người tiêu dùng châu Âu khi họ chịu phần lớn việc tăng giá điện. Một số quốc gia đã nỗ lực để bảo vệ người tiêu dùng. Tại Tây Ban Nha, Nội các đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để áp đặt các giới hạn đối với giá khí đốt và lợi nhuận của các công ty tiện ích. Chính phủ Ý đang xem xét lại cách tính hóa đơn tiền điện.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác động của tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên. Một số nhà phân tích cho rằng mùa đông lạnh giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Exit mobile version