Vào sáng ngày thứ 24/06, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).
MSCI là viết tắt của Morgan Stanley Capital International, một công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán, rủi ro danh mục đầu tư và phân tích hiệu suất và các công cụ quản trị cho các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ phòng hộ. MSCI được biết đến nhiều nhất với các chỉ số tiêu chuẩn của nó, như chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và chỉ số thị trường cận biên của MSCI.
Chỉ số thị trường mới nổi của MSCI ra mắt năm 1988, chỉ số này liệt kê các thành phần từ 24 nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Brazil, Nam Phi và Mexico…
Chỉ số thị trường cận biên của MSCI được sử dụng làm chuẩn mực để đo lường hiệu suất của thị trường tài chính ở các quốc gia được chọn từ châu Á, chỉ số này tập trung vào 28 thị trường từ Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và châu Âu như Việt Nam, Morocco, Bahrain….
Kết quả này không quá bất ngờ do đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đang thay đổi theo hướng kém tích cực hơn. Trong đánh giá năm nay, MSCI nhấn mạnh tới vấn đề room ngoại trên thị trường Việt Nam, cho rằng “các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.
MSCI cũng gắn nhãn “-” tức là chưa đáp ứng được yêu cầu đối với 9 tiêu chí định lượng gồm “Giới hạn sở hữu nước ngoài”, “room ngoại còn lại”, “quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài”, “mức độ tự do trên thị trường ngoại hối”, “đăng ký đầu tư và mở tài khoản”, “các quy định về thị trường”, “luồng thông tin”, “thanh toán bù trừ” và “khả năng chuyển nhượng”.
Trong báo cáo chỉ số MSCI Frontier Market vào ngày 31/05/2022, Việt Nam vẫn đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng 28,45%. Hiện tại, MSCI đã khởi động tham vấn về đề xuất chuyển chỉ số MSCI Nigeria từ thị trường cận biên sang thị trường độc lập. Nếu điều này xảy ra, tỷ trọng của Việt Nam có thể được nâng lên 34,3%. Số lượng cổ phiếu của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 28 cổ phiếu.
Tuy nhiên, với chỉ MSCI Frontier Markets 100 Index, tỷ trọng của Việt Nam dự kiến giữ nguyên ở mức 30,1% cho dù Nigeria có chuyển sang thị trường độc lập hay không. Trong đó, HPG, VIC và VHM lọt top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của MSCI Frontier Markets 100 Index, với tỷ trọng lần lượt 3,4%, 3% và 3%.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup từng chia sẻ, nâng hạng thị trường là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn. Quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường. Tuy nhiên với động thái của MSCI, giấc mơ nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể thành hiện thực trong tương lai gần.
https://cafef.vn/viet-nam-vang-mat-trong-danh-sach-nang-hang-cua-msci-2022062409571646.chn