Vietjet Air lỗ gộp 2.882 tỷ đồng

Vietjet lọt TOP 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Theo báo cáo tài chính, Vietjet Air lãi hợp nhất gần 122 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ gộp 2.882 tỷ đồng trong mảng kinh doanh chính.

Sau hơn 1 tháng trì hoãn do dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) vừa chính thức công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên. Báo cáo này được kiểm toán bởi Công ty TNHH PwC Việt Nam.

Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2021 của Vietjet Air ghi nhận 7.556 tỷ đồng. Con số này giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và so với báo cáo tự lập giảm 10%.

Doanh thu hoạt động tài chính năm nay tăng lên 3.776 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm ngoái (1.027 tỷ đồng), trong đó chủ yếu là khoản thu nhập liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn tại Công ty Đầu tư và Phát triển Pacific Star cho các bên liên quan.

Nhờ đó, từ việc năm ngoái lỗ 1.729 tỷ đồng, Vietjet Air ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh là 156,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay ghi nhận 121,8 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên so với báo cáo tài chính công ty tự lập thì giảm 5%.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm sau soát xét theo giải trình của ban lãnh đạo là do Vietjet Air đánh giá lại một số chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi nhận giảm trích trước chi phí, giảm chi phí phân bổ và nhờ đánh giá lại các khoản thu nhập tài chính.

(Nguồn: BCTC soát xét của Vietjet Air).

Theo báo cáo soát xét, Vietjet có tổng tài sản 49.855 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 16.975 tỉ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ. Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,31 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,51 lần – thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới. Nhờ đó, Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn để tăng cường nội lực tài chính.

6 tháng đầu năm, 2 đợt sóng Covid-19 2 và 3 đã đã khiến doanh thu vận tải hàng không sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay và thực hiện hơn 34.000 chuyến bay.

Đặc biệt trong giai đoạn khai thác hành khách thấp, hãng đã tận dụng nguồn lực để tập trung hoàn thiện các quy trình khai thác và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa. Kết quả, Vietjet Air đã thực hiện vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 40 – 45% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, Vietjet tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu 4.0. Không những vậy, đơn vị này còn nghiên cứu phát triển hệ thống gia tăng tiện lợi cho hành khách, khai thác hàng hóa và tối ưu hóa khai thác. 

Ngoài ra, các giải pháp vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí, mở rộng các dịch vụ hàng không và đầu tư tài chính cũng được Vietjet Air tập trung triển khai để gia tăng các nguồn thu.

Đối mặt với khó khăn hiện tại, Vietjet Air đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp và đối tác kinh doanh để giải quyết các vấn đề về dòng tiền. 

Về nguồn vốn lưu động, Vietjet Air đã thành công đàm phán với ngân hàng và một số bên cho thuê tàu bay về nguồn tài chính, mục đích cơ cấu lại khoản chi phí thuê và thời gian thanh toán tiền thuê hoạt động tàu bay. Hiện tại, đơn vị này đang tiếp tục thương lượng với các bên cho thuê tàu bay còn lại về các điều khoản trả một phần tiền thuê cũng như gia hạn thời hạn thanh toán trong một khoản thời gian dài hạn hơn cho đến khi ngành hàng không phục hồi.

Được biết, Chính phủ cũng đang xem xét các chính sách miễn, giảm một số phí, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ nguồn vay thanh khoản để các hãng hàng không vượt qua đại dịch.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version