Vietjet (VJC): Doanh thu vận chuyển hàng hóa 2021 đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng phi mã 200%

Vietjet: Doanh thu vận chuyển hàng hóa năm 2021 tăng trưởng phi mã 200% lên gần 3.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Năm 2021, doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet (HOSE: VJC) đạt 12.998 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Vietjet đạt 100 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020.

Doanh thu vận tải hành khách gặp khó

Trong năm 2021, về hoạt động vận chuyển hành khách, Vietjet đã thực hiện gần 42.000 chuyến bay và vận chuyển 5.4 triệu lượt khách. Quý III/2021, doanh thu vận tải hành khách chỉ đạt 77 tỷ đồng, quý IV/2021 ghi nhận sự hồi phục, doanh thu vận tải hành khách đạt 297 tỷ đồng.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm phủ vaccine của Việt Nam đạt hơn 80%, nhà nước chủ trương thực hiện chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thêm vào đó, từ ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế sau 2 năm đóng cửa. Đây chính là động lực, thúc đẩy sự hồi phục của ngành hàng không Việt Nam trong các năm tới.

Vietjet đẩy mạnh doanh thu vận tải hàng hóa

Năm 2021, hoạt động vận tải hành khách gặp ảnh hưởng, tuy nhiên Vietjet và các hãng hàng không khác thúc đẩy kinh doanh hoạt động vận tải hàng hoá. Hiện nay, 80% thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Dịch Covid-19 bùng phát, các hãng hàng không thúc đẩy khai thác mảng vận tải hàng hoá bù đắp sự sụt giảm mảng vận tải hành khách.

Cụ thể, hoạt động vận chuyển hàng hóa của Vietjet đạt 2.954 tỷ đồng trong đó doanh thu vận chuyển hàng hóa theo chuyến đạt 2.654 tỷ đồng, hãng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, với doanh thu tăng trưởng về hàng hóa tăng mạnh trên 200% so với cùng kỳ.

Riêng trong quý 4, doanh thu vận chuyển hàng hóa lên tới 1.446 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ Vietjet, trong thời gian tới, hãng này tiếp tục thực hiện dự án chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của các mảng kinh doanh mới bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ phục vụ mặt đất nhằm đa dạng nguồn doanh thu và tối ưu chi phí, đồng thời triển khai các sản phẩm vé và chương trình khách hàng mới giúp gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Không chỉ VJC, trong năm qua Vietnam Airlines, Bamboo Airway cũng tập trung đẩy mạnh kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không. Gần đây nhất, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng xin cấp phép thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá IPP Air Cargo. Như vậy trong các năm tới, thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không ở Việt Nam sẽ có sự thay đổi khi các hãng bay Việt tham gia sâu vào cuộc chơi.

Exit mobile version