Vietnam Airlines kiến nghị xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay và áp dụng từ ngày 1/4.
Theo đó, Vietnam Airlines đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về ảnh hưởng của giá dầu tới hoạt động khai thác của doanh nghiệp này.
Hàng không chịu nhiều tác động xấu
Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án, năm 2022 miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không.
Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia này cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét việc điều chỉnh giá trần vé máy bay áp dụng từ ngày 1/4. Cùng với đó là chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, đề xuất phương án để hãng hàng không được phép phụ thu nhiên liệu ở các chặng bay nội địa.
Vietnam Airlines cho rằng, năm 2021, đơn vị này bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Tổng thị trường quốc tế chỉ bằng 1,4% so với trước khi xảy ra dịch bệnh, đạt gần 500.000 khách. Trong khi đó, tổng thị trường nội địa giảm 61% so với năm 2019, đạt khoảng 14,6 triệu khách.
Nhìn chung, sản lượng vận chuyển hành khách của hãng hàng không quốc gia chỉ bằng 27% so với 2019.
Ở một diễn biến khác, thời gian qua, giá dầu tăng nhanh và liên tục. Đồng nghĩa với việc, giá nhiên liệu bay Jet Al tăng từ khoảng gần 73 USD/thùng vào năm 2021 lên khoảng hơn 100 USD/thùng. Theo đánh giá, giá nhiên liệu bay Jet A1 nhiều khả năng sẽ tăng lên trên 160 USD/thùng. Nếu kịch bản xấu, giá có thể lên tới 200 USD/thùng.
Đầu tháng 3, giá nhiên liệu này tính trung bình ở mức trên 130 USD/thùng. Chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines vì thế cũng tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay tiếp tục duy trì ở mức giá này trong cả năm 2022, ước tính chi phí sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng. Nếu giá tăng lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí ước tính tăng thêm 9.120 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ dự kiến năm 2022 của hãng này sẽ thêm trầm trọng.
Lý do đề xuất tăng giá trần vé máy bay
Vietnam Airlines cho rằng, giá dầu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng khi chi phí khai thác tăng cao không ngừng.
Hãng hàng không quốc gia khẳng định việc áp dụng miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là điều cần thiết. Chỉ đối với riêng Vietnam Airlines, việc miễn giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp hãng hàng không này tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, hãng hàng không này còn đề nghị bổ sung thêm quy định, cho phép các hàng không phụ thu nhiên liệu tại các đường bay nội địa.
Trước đây, theo thông lệ quốc tế, khi giá nhiên liệu thường xuyên biến động, phần phụ thu nhiên liệu đã được các hãng hàng không tách ra khỏi giá vé nhằm chủ động điều chỉnh giá bán, bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao.
Về giải pháp triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa, Vietnam Airlines cho rằng đây là một giải pháp giúp các hãng điều chỉnh giá bán, trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường mà không gây ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện tại.
Nhưng trước mắt, phương án sửa đổi quy định về giá trần được đánh giá khả thi và kịp thời hơn. Riêng chính sách phụ thu nhiên liệu cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ càng hơn.
Để điều chỉnh giá trần, về pháp lý, Bộ GTVT chỉ cần sửa Thông tư 17/2012. Theo văn bản kiến nghị của Vietnam Airlines, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa hiện tại.
Trong trường hợp chính sách được áp dụng, năm 2022 dự kiến hãng hàng không quốc gia sẽ giảm lỗ được khoảng 170 tỷ đồng.