Sàn thương mại điện tử (TMĐT) VNAMALL của Vietnam Airlines vừa được ra mắt với hơn 300 sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia hãng có đường bay qua.
Hơn 300 sản phẩm tại sàn thương mại điện tử VNAMALL
Theo khẳng định của Vietnam Airlines, sàn thương mại điện tử VNAMALL là bước đi nhằm đa dạng hóa ngành hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bắt nhịp xu thế chuyển đổi số cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tác động và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu vận tải hành khách của Vietnam Airlines thì đây được xem là nỗ lực của hãng hàng không quốc gia nhằm đa dạng hóa nguồn thu.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết, những sản phẩm của VNAMALL sẽ mang đậm dấu ấn hàng không. Theo đó, sàn thương mại điện tử này có danh sách hơn 300 sản phẩm với đủ các mặt hàng từ thực phẩm, đồ uống, nông sản, quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines.
Thậm chí, khách hàng có thể đặt mua rượu vang hạng thương gia hoặc món tráng miệng hay món ăn nhẹ tương tự trên các chuyến bay.
Trước đó vào năm 2019, Vietjet Air đã chia sẻ về kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Tham vọng của hãng khi đó là ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để thực hiện các giao dịch cho sàn thương mại điện tử này.
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines
Cho tới thời điểm này, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo quý III/2021. Hãng hàng không này đã xin chậm công bố báo cáo tài chính quý III và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
6 tháng đầu năm nay, hãng hàng không này đã lỗ ròng 8.458 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6 lên tới 17.808 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ thực góp.
Còn báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thuần quý II tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước bởi các chi phí cố định lớn.
Việc giảm lãi chênh lệch tỷ giá cũng khiến nguồn thu tài chính của Vietnam Airlines sụt giảm 84%. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ. Cũng không có bất cứ nguồn thu nào từ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Chỉ có chi phí bán hàng và chi phí tài chính được tiết giảm đáng kể.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vì thế tiếp tục báo lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng trong quý II, xấp xỉ mức thua lỗ kỷ lục trong quý đầu năm.
Ở một diễn biến khác, theo dự kiến, ngày 28/11, chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không Vietnam Airline sẽ được cất cánh đến Mỹ. Trước đó, vào chiều 16/11, hãng hàng không này đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác đường bay thường lệ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp phép bay thường lệ đến Mỹ.
Cát Anh (T/h)